Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 17/5/2022 9:2'(GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp các lãnh đạo của Liên hợp quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp bà Amina J. Mohamed, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp bà Amina J. Mohamed, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc, sáng 16/5 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Amina Mohammed; Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell; Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid; Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner.

Phát biểu trong cuộc gặp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc - đối tác tin cậy hàng đầu vì hòa bình, hợp tác phát triển trên thế giới và người bạn tin cậy, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước.

Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của Liên hợp quốc ở cả 3 trụ cột an ninh-chính trị, phát triển và quyền con người.

Nhân dịp này, Thủ tướng chuyển đến lãnh đạo Liên hợp quốc những tình cảm hữu nghị, chân thành nhất và sự tri ân sâu sắc của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp, hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc đối với Việt Nam hơn 4 thập kỷ qua; trân trọng chuyển lời mời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và các lãnh đạo Liên hợp quốc thăm Việt Nam trong năm nay để tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu, cho rằng cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để xử lý các thách thức chung như dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng ủng hộ tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc, nghị viện các quốc gia thành viên và Liên minh Nghị viện thế giới để tranh thủ được sự ủng hộ của kênh lập pháp đối với chương trình nghị sự của Liên hợp quốc.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ, toàn diện ba đột phá chiến lược để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045; mong muốn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ hiệu quả, trong đó có việc hỗ trợ triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trao đổi về việc ứng phó với đại dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã nỗ lực và triển khai thành công chiến lược tiêm chủng, kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển trong ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và tư vấn chính sách, phục hồi theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26, đồng thời đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam trong thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng với các nước G7, xây dựng chiến lược tài chính khí hậu để huy động hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các đối tác phát triển quốc tế.

Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), trong đó có các mục tiêu như bình đẳng giới, năng lượng sạch, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia trao đổi, tham vấn rộng rãi tại Liên hợp quốc để xem xét việc triển khai các đề xuất trong Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chương trình Nghị sự chung của Chúng ta, qua đó thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế lớn hiện nay.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đề nghị Liên hợp quốc tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác ASEAN-Liên hợp quốc tiếp tục được tăng cường, đề nghị Liên hợp quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), cũng như hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình thông qua đối thoại và hoà giải, bảo đảm an toàn cho người dân, tiếp cận nhân đạo.

Về tình hình Ukraine, Thủ tướng khẳng định cần thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng và có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, đồng thời thông báo Việt Nam đã quyết định ủng hộ 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine và sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine.

Về phần mình, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và là người bạn của Liên hợp quốc và mong muốn hai bên tiếp tục phát triển quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả hơn nữa.

Phó Tổng Thư ký tỏ rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cùng với những chính sách, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Bà đánh giá cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của Liên hợp quốc, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều khủng hoảng và khác biệt, Việt Nam luôn có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hòa bình và cải cách Liên hợp quốc, tham gia có trách nhiệm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, triển khai hiệu quả các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và nỗ lực thực hiện cac cam kết chống biến đổi khí hậu, nhất là tại Hội nghị COP26 vừa qua; thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng.

Phó Tổng Thư ký khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững và tự cường hơn; bày tỏ chia sẻ quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, đồng thời mong muốn quan hệ đối tác ASEAN-Liên hợp quốc sẽ tiếp tục được củng cố vì lợi ích hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, bảy tỏ kỳ vọng Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu tương xứng với năng lực vị trí của mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp bà Amina J. Mohamed, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp bà Amina J. Mohamed, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại buổi tiếp Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với UNICEF và đánh giá cao các đóng góp quan trọng hàng đầu của UNICEF trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên thế giới; cho biết Chính phủ Việt Nam rất cảm kích và tri ân những hỗ trợ thiết thực của UNICEF đối với Việt Nam trong hơn 40 năm qua. Từ một nước tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ nhân đạo, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy, hiệu quả của Liên hợp quốc nói chung và UNICEF nói riêng trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam ủng hộ 05 mục tiêu về bảo vệ, thúc đẩy quyền của trẻ em mà UNICEF đề ra trong Kế hoạch Chiến lược của mình đến năm 2030, đó là mọi trẻ em phát triển; mọi trẻ em được học tập và có được kỹ năng sống cho tương lai; mọi trẻ em được bảo vệ trước bạo lực, lạm dụng và các hành vi xấu; mọi trẻ em được tiếp cận nước, vệ sinh và sống trong môi trường an toàn; mọi trẻ em không phải sống trong nghèo khó. Đây cơ bản cũng là những mục tiêu Việt Nam đang phấn đấu để bảo đảm những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn UNICEF đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc, toàn diện đối với mọi mặt phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu và ở Việt Nam, đặc biệt đối với trẻ em, trong đó có việc vận chuyển hàng chục triệu liều vaccine phòng chống COVID-19 thông qua Cơ chế COVAX và hỗ trợ hàng chục triệu trang thiết bị, bảo hộ y tế và nâng cao năng lực tiêm chủng quốc gia.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đã có tỷ lệ bao phủ vaccine trên 84% dân số, trong đó hầu hết người dân ở độ tuổi từ 18 trở lên, thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi đều đạt tỷ lệ tiêm đủ liều là gần 100%, và sở dĩ triển khai được chiến dịch tiêm chủng hiệu quả như vậy là nhờ hệ thống tiêm chủng mở rộng được xây dựng trong suốt nhiều năm qua với sự giúp đỡ của UNICEF và các đối tác quốc tế.

Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam dành nhiều ưu tiên chăm lo sức khỏe, sự phát triển của trẻ em ở mọi độ tuổi và mới đây nhất đã phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng chống COVID-19 cho trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi; hoan nghênh vai trò, đóng góp hiệu quả của UNICEF trong vận động các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này.

Về hợp tác chung Việt Nam-UNICEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các nội dung hợp tác lớn trong Chương trình quốc gia Việt Nam - UNICEF giai đoạn 2022-2026, phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam cũng như tình hình hiện nay, nhất là do tác động của dịch bệnh cũng như biến đổi khí hậu; hoan nghênh các ưu tiên lớn về bảo đảm tiếp cận giáo dục cho trẻ em, bảo đảm bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ, phòng chống bạo hành trẻ em, cũng như tăng cường năng lực của các cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp và có tính đến lợi ích của trẻ em.

Nhân dịp này, đề nghị UNICEF tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn để Việt Nam có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững liên quan đến trẻ em vào năm 2030.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thông báo Việt Nam sẽ đóng góp 100.000 USD cho nỗ lực cứu trợ nhân đạo của UNICEF tại Ukraine. Khoản tiền này nằm trong tổng số 500.000 USD mà Việt Nam sẽ đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Ukraine.

Về phần mình, bà Catherine Russell bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác hiệu quả, gắn bó giữa UNICEF và Việt Nam hơn 04 thập kỷ qua, đánh giá cao các thành tựu kinh tế-xã hội và hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh đầy thách thức của đại dịch COVID-19, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; khẳng định những kinh nghiệm thành công này là rất có giá trị đối với Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Giám đốc điều hành UNICEF đặc biết hoan nghênh và đánh giá cao những chủ trương, chính sách xuyên suốt của Việt Nam về chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoachj hành động quốc gia, trong đó dành nhiều quan tâm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp thiết của trẻ em như quyền giáo dục, phúc lợi của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em.

Bà khẳng định UNICEF sẽ tiếp tục tích cực triển khai Chương trình quốc gia Việt Nam-UNICEF giai đoạn 2022-2026 đáp ứng các ưu tiên của Việt Nam, đồng thời UNICEF sẽ đồng hành cùng các tổ chức trong Cơ chế COVAX hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, nhất là cung cấp vaccine và sản xuất vaccine trong nước, góp phần bảo vệ, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân Việt Nam, nhất là trẻ em trước dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ưu tiên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khoá 76 trong lĩnh vực phát triển bền vững, phục hồi sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách Liên hợp quốc. Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu, điều phối và dẫn dắt các nỗ lực đa phương, khởi xướng và đề xuất các giải pháp toàn cầu để ứng phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế như dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc, trong đó có việc vừa hoàn thành trọng trách Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an và đang tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 cũng như một số cơ quan quan trọng khác của Liên hợp quốc thời gian tới. Việt Nam ủng hộ quá trình cải tổ Liên hợp quốc để tổ chức này hoạt động dân chủ, minh bạch hơn và ứng phó tốt hơn trước các thách thức toàn cầu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đa số thành viên là các nước đang phát triển; ủng hộ nâng cao vai trò quan trọng của Đại Hội đồng và tăng cường quan hệ của các cơ quan khác với Đại Hội đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó và thích ứng với đại dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, đồng thời đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục quan tâm thúc đẩy các ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển về hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị, vật tư y tế, tài chính cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và tư vấn chính sách, kinh nghiệm phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh, bền vững và tự cường hơn.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; mong Liên hợp quốc thúc đẩy các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ cam kết về hỗ trợ cho các nước đang phát triển, nhất là về tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là quốc gia ven biển, Việt Nam đặc biệt coi trọng tăng cường an ninh biển, trong đó có bảo tồn, sử dụng biển, khai thác các tài nguyên biển bền vững, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, và đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS); mong muốn Chủ tịch Đại Hội đồng quan tâm, thúc đẩy vấn đề này một cách phù hợp vì đây là quan tâm chung, chính đáng của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc.

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu kinh tế-xã hội vượt bậc của Việt Nam và thành công trong lĩnh vực phòng chống đại dịch COVID-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, nhất là chiến lược thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển theo hướng xanh, bền vững và bao trùm; chúc mừng và cho rằng Việt Nam là câu chuyện thành công của một quốc gia đã vượt qua xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn để vượt lên có nhiều thành quả đáng tự hào, nổi bật về kinh tế xã hội, ứng phó với dịch bệnh; là một trong những quốc gia hình mẫu của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của Liên hợp quốc, đặc biệt là tích cực thúc đẩy thực hiện các cam kết toàn cầu như triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Đại Hội đồng đặc biệt đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về Ngày Quốc tế về Phòng chống Dịch bệnh 27/12; khẳng định quan tâm thúc đẩy triển khai hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc đáp ứng mong muốn, lợi ích chung; có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của Liên hợp quốc.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh nhu cầu tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là dịch bệnh và biến đổi khí hậu; chia sẻ mong muốn sớm chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng giải pháp hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo; đề cao việc tuân thủ Hiến chương và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò quan trọng, định hướng chiến lược và dẫn dắt hiện nay của UNDP trong hệ thống phát triển Liên hợp quốc trong thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG); đồng thời cảm ơn UNDP đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong gần 50 năm qua. Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Chương trình Hành động Năng lượng Liên hợp quốc (UN-Energy Plan of Action) mà Liên hợp quốc vừa phát động và cá nhân ông Achim Steiner là Đồng Chủ tịch, với mục tiêu hỗ trợ các nước chuyển đổi năng lượng công bằng, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và hiện đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành nước phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; tiến tới đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là những mục tiêu rất lớn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Mặt khác, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức khi đại dịch COVID-19 đang gia tăng bất bình đẳng và trầm trọng hóa nhiều vấn đề hiện hữu.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đánh giá cao các mục tiêu trong Chương trình hợp tác Việt Nam-UNDP giai đoạn 2022-2026 vừa được hai bên thông qua, đặc biệt trong các lĩnh vực về: phát triển kinh tế-xã hội xanh và bền vững và tăng cường sức chống chịu với biến đổi khí hậu; cho biết sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành cùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UNDP trong triển khai Chương trình hợp tác cũng như tiếp tục tham vấn chính sách, hợp tác kỹ thuật với UNDP về các lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm, trong đó có chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và trung hòa carbon, phục hồi kinh tế-xã hội sau Đại dịch COVID-19 theo hướng xanh và bền vững.

Thủ tướng cho biết để cụ thể hóa các cam kết vừa qua của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các biện pháp mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, quá trình công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, chất thải, tạo điều kiện thuận lợi cho cho việc thu hút các nguồn đầu tư, tài chính, công nghệ xanh vào Việt Nam để hỗ trợ nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đề nghị UNDP tiếp tục tư vấn kỹ thuật, chuyên môn cho Việt Nam để đạt thoả thuận thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng với các nước G7; đồng thời hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược huy động tài chính khí hậu từ các đối tác phát triển khi các biện pháp giảm phát thải trong các lĩnh vực từ nay đến năm 2050 ở Việt Nam đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, ước từ 350-400 tỷ USD.

Thủ tướng đánh giá cao việc UNDP và các đối tác quốc tế khác đã tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiều chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn trong nước và mong muốn UNDP sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, nâng cao năng lực, nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Về phần mình, ông Achim Steiner chúc mừng những thành tựu to lớn Việt Nam đã được trong thời gian qua nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn, cho rằng Việt Nam là một hình mẫu trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các Mục tiêu SDGs, mang lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Ông đặc biệt ấn tượng trước ứng phó linh hoạt, đúng đắn của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, những hướng đi, cam kết mạnh mẽ đi đầu của Việt Nam về phục hồi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các đột phá về thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế số.

Tổng Giám đốc UNDP khẳng định UNDP có những ấn tượng hết sức tốt đep về đất nước con người Việt Nam, tự hào hơp tác với Việt Nam về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn phát triển mới hết sức quan trọng; UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn chính sách và vận động nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, đặc biệt đối với xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh, bền vững và bao trùm, thu hút các nguồn đầu tư, tài chính, công nghệ xanh vào Việt Nam để hỗ trợ nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Ông cũng mong Việt Nam là hình mẫu châu Á-Thái Bình Dương, giúp các nước cần đầu tư, chuyển đổi năng lượng, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường./.

Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất