Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm của sự phát triển
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, có nhiều ý nghĩa cho công tác chỉ đạo. Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cuối phiên làm việc buổi sáng, Thủ tướng nêu rõ cần chú ý hơn công tác Đảng trong khối nhà nước. Đây là việc quan trọng, xây dựng Đảng là làm cho nhà nước, các cơ quan khác vững mạnh, buông lỏng việc này là ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cấp chính quyền. Trong chỉ đạo cần quan tâm hơn đến khối văn hóa, xã hội.
“Trong chỉ đạo gần đây có chuyện "lép vế" hơn trong khối xã hội - tôi nói thật - bởi các đồng chí ở các tỉnh thường giao khoán việc này cho đồng chí phó chủ tịch phụ trách văn xã mà thường đồng chí này không phải là thường vụ... Khối văn hóa xã hội còn nhiều vấn đề bỏ bê,” Thủ tướng nêu thực tế.
Hoan nghênh bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ “làm chính quyền bao giờ cũng va đập, đối chọi với những vấn đề phức tạp, dễ sai phạm nên cũng cần được động viên.”
Nói đến khát vọng đưa đất nước tiến lên, khi năm 2019 là kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác trước đây “xây dựng đất nước ta gấp 10 lần ngày nay,” Thủ tướng cho rằng đây là mong mỏi chính đáng mà các thế hệ cần cố gắng tổ chức thực hiện cho tốt, để thấy được khát vọng của dân tộc vượt khó vươn lên, không chịu nghèo đói, lạc hậu.
“Hệ thống, pháp luật, công tác tư tưởng và tổ chức phải phục vụ cho ước nguyện vươn lên của dân tộc, không để dân tộc ta yếu kém so với dân tộc khác trong khu vực châu Á, thậm chí là toàn cầu. Tinh thần ấy phải được thổi vào trong nhân dân, các cấp, các ngành, trong doanh nghiệp,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần chuyển tải đến cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước, đến nhân dân tinh thần ấy. Phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm của sự phát triển, bởi không có dân chúng ta không thành công, không có dân không làm nên sự nghiệp cách mạng, tất cả sự nghiệp phải phục vụ nhân dân.
Nhấn mạnh việc quản trị quốc gia 100 triệu dân không phải là điều dễ dàng, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương làm tốt nhiệm vụ của mình, sát dân hơn, lắng nghe nhiều hơn, xử lý kịp thời hơn để Đảng và dân, dân và chính quyền đi liền với nhau, cùng lắng nghe để thúc đẩy công cuộc cách mạng nhanh hơn, tốt hơn, giảm thiểu các trục trặc, những vấn đề xảy ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu thành viên Chính phủ, từng lãnh đạo tỉnh, thành phố nêu trách nhiệm với nhân dân, đất nước, trực tiếp nhìn vào thực trạng quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, thấm, nắm rõ để có hành động cụ thể trong công việc hàng ngày, không quyết liệt thì khó thành công. Phải lo đối thoại với nhân dân.
“Tại sao chúng ta nói do dân, vì dân mà lại để dân khiếu nại nặng nề, như vậy chúng ta làm hết trách nhiệm chưa,” Thủ tướng đặt vấn đề; cho rằng “tuy nghèo khó nhưng lòng dân yên là mọi việc thành công.”
Các bộ, ngành, địa phương phải nhìn lại mình
Nhắc lại những kết quả đạt được của năm 2018, song, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít hạn chế, bất cập, đó là sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình biến động của thế giới và khu vực, nhiều địa phương, nhiều ngành chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, các nguồn lực chưa được giải phóng để tạo điều kiện cho phát triển, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, cách trở. Hay, bệnh quan liêu xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt, mất niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh đời sống chung được cải thiện, một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai còn khó khăn, còn đói cơm, lạt muối. Các tệ nạn xã hội, xã hội đen, bạo lực học đường, tín dụng đen vẫn là vấn đề cần có biện pháp trấn áp, xử lý mạnh mẽ.
“Không ít địa phương giải quyết công việc không nghiêm, chậm trễ, nhiều việc để kéo dài, người dân và doanh nghiệp kêu ca. Chúng tôi muốn nói ý này để các bộ, ngành, địa phương nhìn lại mình,” Thủ tướng nêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng cho rằng trong khi nhiều địa phương kêu gọi đầu tư thành công thì nhiều địa phương chỉ số CPI còn rất bê bết, nhất là việc thúc đẩy đánh giá chính quyền. Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân, không quý dân, không thảo luận với dân, trao đổi có lý có tình để dân kéo lên Hà Nội.
Chỉ rõ sự trì trệ, chậm trễ ảnh hưởng đến sự phát triển, Thủ tướng đặt câu hỏi “Cần trăn trở tại sao cùng chủ trương, cùng cơ chế chính sách mà nơi làm rất tốt, nơi trì trệ.” Thực tế ở đâu cán bộ, chính quyền, cá nhân người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thực tiễn, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự gương mẫu, trách nhiệm, vì lợi ích chung thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn. Đây là kinh nghiệm quan trọng với từng cấp, từng ngành trong chỉ đạo điều hành.
Phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn
Nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, Thủ tướng cho biết Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nêu các nhiệm vụ cụ thể về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết 02 nêu những mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ sẽ sớm ký hai nghị quyết quan trọng này, chậm nhất là trong ngày 1/1/2019 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện từ ngày đầu, tháng đầu của năm kế hoạch.
Đề cập đến vấn đề đầu tư xây dựng theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao), Thủ tướng cho biết trong ngày mai (29/12) sẽ ký nghị quyết quan trọng này để làm cơ sở để triển khai vấn đề đang ách tắc hiện nay. “Chúng tôi nói việc đó để giải quyết chuyện lớn chứ không phải công nhận những sai trái, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình chúng ta xử lý vấn đề này. Những sai trái đó gây thất thoát cho tài sản nhà nước, không phải Thủ tướng dễ dàng công nhận như vậy đâu,” Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh hơn nữa vấn đề phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì cùng các bộ có liên quan trình Chính phủ tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan trên quan điểm, cái gì phân cấp được thì nên phân cấp cho các địa phương họ làm. Trung ương trước hết là làm chính sách, pháp luật, hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên ngành, liên vùng, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát việc vi phạm các quy định, lợi ích nhóm...
“Không để các địa phương phải ôm tài liệu ra bộ này, bộ khác, xin việc này, việc khác, xếp hàng chờ đợi. Phương thức quản lý đó lạc hậu rồi... Đừng để tình trạng ký một đêm mấy vali giấy tờ, quá nhiều giấy tờ như vậy làm sao có thời gian giải quyết việc khác được,” Thủ tướng nói và yêu cầu các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm này để phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn. Nếu lo làm sai, làm trái pháp luật thì tăng cường kiểm tra, đôn đốc.
Thủ tướng cũng đề cập đến việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhưng không phải kìm hãm sự phát triển. Thời gian qua, khối Đảng, các cơ quan tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ này, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Năm 2019, cần rà soát toàn bộ thể chế, quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch tạo môi trường không tham nhũng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính; để cán bộ công chức yên tâm làm việc.
“Không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hành động,” Thủ tướng lưu ý các Bộ trưởng.
Theo Thủ tướng, có hai tình trạng trì trệ diễn ra: một là các vụ án lớn xảy ra không ai dám tổ chức làm việc “Như đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có nói các sở im lìm hết thì giải quyết cái gì, cái gì cũng chậm, nhân dân tới hỏi không ai trả lời.” Thứ hai là quy hoạch chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, có một bộ phận lớn “nín thở,” không hành động.
Thủ tướng muốn lãnh đạo cá bộ, ngành, địa phương phải làm mạnh hơn, bảo vệ cán bộ, doanh nghiệp chân chính yên tâm cống hiến, làm việc. “Chủ tịch tỉnh, bộ trưởng các bộ đều phải lo việc này chứ không phải nói mà không làm.”
Nói đến Chỉ thị 34 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm vừa ký ráo mực, Thủ tướng nêu rõ tinh thần lo Tết cho nhân dân, không phải lo cho cán bộ cấp trên, các doanh nghiệp và địa phương không biếu xén cấp trên. Chuẩn bị hàng hóa tốt phục vụ nhân dân, không đầu cơ, tích trữ hàng hóa nâng giá phức tạp, bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống buôn lậu trong dịp Tết./.
Nguồn: TTX