CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ ĐÁNH GIÁ TÍCH CỰC KINH TẾ VIỆT NAM
Tại Phiên họp, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5
tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tốt hơn tháng 4; tính chung 5
tháng năm 2024 đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các
lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân
đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng
4,03% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 52,8% dự
toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính
chung 5 tháng tăng 16,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 8,01 tỷ USD. Tổng vốn
đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD,
tăng 2% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục chuyển biến
tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng
3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Sản xuất nông
nghiệp ổn định, kim ngạch xuất khẩu cà phê, gạo, rau quả tăng cao so với
cùng kỳ, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Du lịch phục hồi
mạnh mẽ, tháng 5, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tính chung
5 tháng tăng 64,9% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh
giá tích cực, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm
2024.
Công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả. Việc làm, sinh kế
cho người dân tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy. Đời sống người dân tiếp
tục được nâng lên. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc được tổ
chức. Ngành giáo dục tích cực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ
thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Công tác y tế, chăm sóc
sức khỏe nhân dân được chú trọng; chủ động phòng ngừa dịch bệnh, các
bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa nắng nóng.
Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận đánh giá tình hình,
những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; công tác
chỉ đạo, điều hành; hạn chế cần tập trung khắc phục; đồng thời đề xuất
nhiệm vụ tháng 6 và thời gian tới… Trong đó, các đại biểu đề xuất giải
pháp kiềm chế lạm phát vì hiện nay, chỉ số CPI đã khá cao; giải pháp,
nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa phù hợp tình hình; tiếp
tục thực hiện các giải pháp đảm bảo các cân đối lớn, nhất là về năng
lượng, đặc biệt vào thời kỳ cao điểm; cần giải quyết các tồn đọng, vướng
mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy giải
ngân đầu tư công; sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành các
luật liên quan đất đai; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và quảng
bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ đầu năm đến nay,
các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển khai chủ động, quyết liệt,
linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của
Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế,
chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các tài liệu cho Kỳ họp
thứ 7 Quốc hội khóa XV, với 53 tờ trình, báo cáo; xây dựng, ban hành văn
bản quy định chi tiết thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất
động sản, Các tổ chức tín dụng… Trong tháng 5 đã ban hành 14 Nghị định, 6
Chỉ thị và 13 Công điện của Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt toàn bộ Quy
hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội; lũy kế 5 tháng, đã ban hành 58 Nghị định,
103 Nghị quyết của Chính phủ và 529 quyết định.
Đặc biệt, Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, phù hợp,
hiệu quả nhiều vấn đề, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc
đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, phát triển nhà ở xã hội,
làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và tập trung đẩy mạnh các
động lực tăng trưởng mới; xử lý linh hoạt các vấn đề tồn đọng và những
vấn đề mới phát sinh, như: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, chuỗi dự án
điện, khí Ô Môn…; thúc đẩy tăng trưởng; ổn định kinh tế vĩ mô; cắt giảm,
đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải cách chính sách tiền lương...
Thủ tướng đặc biệt biểu dương các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn
Dầu khí quốc gia (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tổng công ty Đường sắt
Việt Nam (VNR); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khắc phục
khó khăn, đổi mới tư duy chỉ đạo, điều hành, tái cấu trúc, vượt qua khó
khăn thách thức đạt được nhiều thành tựu mới.
Điểm lại 10 điểm nổi bật kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 5
và 5 tháng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nhiều
tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng
của kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng
Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam
khoảng 6%, thuộc nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất Châu Á. Quỹ tiền tệ
quốc tế đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10
với dự báo tăng trưởng 6,4%, giai đoạn 2024-2029. Xếp hạng môi trường
kinh doanh tăng 12 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2
bậc; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc; chỉ số hạnh phúc năm
2024 tăng 11 bậc…
“Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu
hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và
tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này là nhờ
có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, phối hợp
chặt chẽ, tích cực của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị;
sự tham gia, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của
bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sâu sát, có
trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương”, Thủ
tướng khẳng định.
ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT, KỊP THỜI, HIỆU QUẢ
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, như: sức ép
kiểm soát lạm phát, tỷ giá, quản lý thị trường vàng; sản xuất, kinh
doanh trong một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; cận vốn tín dụng còn khó
khăn; sản xuất công nghiệp, một số ngành dịch vụ, sức mua phục hồi
nhưng còn chậm; vấn đề bảo đảm cung ứng điện, nước, xăng dầu cần tiếp
tục chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên; thiên tai, dịch bệnh, nắng nóng,
hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi; tội phạm mạng, an ninh an toàn thông
tin còn diễn biến phức tạp…, Thủ tướng chỉ rõ một số nguyên nhân, bài
học kinh nghiệm và đưa ra 5 quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành thời
gian tới.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tháng 6 và thời gian tới,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chuẩn bị tốt phục vụ Phiên giải
trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; khẩn trương hoàn
thiện hồ sơ về 5 Nghị quyết trình Quốc hội; phối hợp chặt chẽ trong giải
trình, hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Trong điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục điều hành
chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp
đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có
trọng tâm, trọng điểm; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp
cận vốn tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng năm 2024 khoảng
5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1 - 2%; lưu ý Ngân
hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thực hiện ngay các giải pháp cụ thể đẩy
mạnh giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết
liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy
định; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt
triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu;
triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; sớm có phương án huy động
thêm 100 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến
lược; tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất
để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có giải pháp ổn
định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết
yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm.
Thủ tướng yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền
thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đẩy
mạnh thực hiện các dự án đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng
cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc; củng cố các thị trường
truyền thống, mở rộng các thị trường mới; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng
trong nước, khuyến mại, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền
mặt. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh
mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là về 3 lĩnh vực: thể chế, cơ chế,
chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi
số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri
thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI…
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải
ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, với việc tiếp
tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác
của thành viên Chính phủ; phân bổ sớm 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư
công còn lại; báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn
từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu
cầu bổ sung vốn; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao; kịp
thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án
hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Chỉ đạo tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Thủ
tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến
chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn,
công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong
mọi tình huống; khẩn trương trình ban hành 3 Nghị định về: cơ chế mua
bán điện trực tiếp, về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ
chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Trong nông nghiệp tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; sớm gỡ "thẻ
vàng" IUU; điều tiết, bảo đảm đủ nước cho nông nghiệp, sản xuất điện,
sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy
rừng với phương châm “4 tại chỗ”. Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh
các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết
giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, tăng cường
quản lý giá, chất lượng dịch vụ, nhất là mùa du lịch hè sắp tới.
Thủ tướng lưu ý tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài như: xử
lý các ngân hàng thương mại yếu kém, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công
ty tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt - Trung, Nhà máy thép Thái
Nguyên giai đoạn 2 và 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại
Hà Nam.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải tập trung hoàn thiện thể chế,
pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc
gia; chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh
xã hội, đời sống nhân dân; chuẩn bị cải cách tiền lương theo các Nghị
quyết của Trung ương, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình
đẳng, hài hòa, ổn định, với thang bảng lương, lương cơ sở và chính sách
đặc thù một cách hợp lý, có lộ trình; tăng cường quốc phòng, an ninh;
bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực; triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối
ngoại của lãnh đạo cấp cao; nhanh chóng cụ thể hóa, khai thác có hiệu
quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế; tăng cường công tác thông tin,
truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; tích cực triển khai các nhiệm vụ
của Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm tiến độ,
chất lượng; phát động phong trào thi đua vệ sinh công cộng; tổ chức hội
nghị về tiêu thu xi măng và phát triển nhà ở xã hội...
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ,
ngành phải làm việc một cách thực tâm, thực chất, thực lòng để hoàn
thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và
những năm tiếp theo./.
TTXVN