Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 24/8/2016 21:47'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Ảnh: TRẦN HẢI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Ảnh: TRẦN HẢI.

Tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) kiến nghị các nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác BVMT như: khẩn trương xây dựng Quy hoạch BVMT quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu BVMT, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư, quy hoạch môi trường; ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường, cụ thể hóa các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ xử lý nước thải, tái chế chất thải. Sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, cấp phép xả nước thải và nguồn nước.

Rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) cao; tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc TN-MT trên phạm vi cả nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát bảo đảm việc tuân thủ quy định BVMT; tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho BVMT; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về BVMT đối với các dự án đầu tư, công trình có nguy cơ tiềm ẩn ÔNMT…

Ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí cho rằng: cần tăng cường kiểm soát công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất. Dành ngân sách thỏa đáng cho đầu tư hệ thống quan trắc, đánh giá tác động môi trường. Chú trọng giám sát môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án lớn; xử lý rác thải sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng. Đưa BVMT trở thành điều kiện bắt buộc khi thực hiện dự án đầu tư; chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp tái chế, tăng cường chế biến rác thải…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, BVMT là vấn đề cả xã hội, nhân dân hết sức quan tâm, là vấn đề sống còn với đất nước. Để tạo chuyển biến trong công tác này thì điều quan trọng, chúng ta phải hành động. Các cơ quan chức năng, nhất là Bộ TN-MT, các Sở TN-MT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ... phân công kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về BVMT trên tinh thần chặt chẽ nhưng chồng chéo. Đề cao trách nhiệm cá nhân, theo đó, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường ở địa phương mình, chú trọng ngăn ngừa, không để xảy ra ÔNMT. Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta thấy rõ công tác BVMT còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng DN và người dân tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát ÔNMT, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Việt Nam cần phải có cả kế hoạch hành động ngắn hạn, dài hạn và ngay lập tức về BVMT.

Thủ tướng cho rằng, BVMT phải được xác định rõ là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng DN, người dân. Do đó, kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường. Không cho phép đầu tư các dự án đầu tư công nghệ sản xuất lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ sự cố ÔNMT, nhất là ở các khu vực nhạy cảm. Phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về BVMT.

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp có chủ trương, biện pháp và chịu trách nhiệm về vấn môi trường; Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện trên địa bàn. Chính phủ coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Ở đâu xảy ra ÔNMT thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong xét duyệt dự án, kiểm soát sự cố môi trường. Làm rõ trách nhiệm cơ quan phê duyệt về môi trường đối với dự án, loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tích cực vào cuộc kiên quyết để BVMT tốt hơn.

Bộ TN-MT chịu trách nhiệm tổng thể về kiểm tra, giám sát luật pháp về BVMT. Nâng cao năng lực hoạt động hiệu quả của lực lượng cảnh sát môi trường. Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho BVMT. Bộ TN-MT phối hợp Bộ Tài chính xây dựng cơ chế thực hiện ký quỹ BVMT trước khi đi vào vận hành đối với những dự án đầu tư lớn có nguy cơ rủi ro về môi trường. Rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ BVMT. Đánh giá tác động môi trường chiến lược, kiểm soát môi trường trong các cơ sở sản xuất đang hoạt động; rà soát quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại các khu công nghiệp, các dự án lớn, khu đông dân cư…

Cần đưa ra tiêu chí môi trường trong xét duyệt công nhận địa phương nông thôn mới. Bộ TN-MT chuẩn bị công việc cần thiết để đánh giá xếp hạng BVMT các địa phương từ năm 2017. Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường.

Tăng cường quản lý nhà nước về BVMT, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, sớm có chế tài hình sự đối với tội phạm môi trường; khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường; Bộ Tư pháp, Bộ TN-MT rà soát, sửa đổi quy định của các luật theo hướng đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác BVMT; giao Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT rà soát, phân định rõ chức năng, trách nhiệm bộ máy quản lý môi trường các cấp.

Các Bộ TN-MT, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đề xuất thành lập Ủy ban ứng phó tình trạng khẩn cấp trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan liên quan hiện hành. Tổng rà soát, điều tra các nguồn thải, ô nhiễm để có cơ sở dữ liệu về môi trường, chủ động phương án ứng phó. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức BVMT trong xã hội.

HÀ THANH GIANG (nhandan.com.vn)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất