Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 20/11/2016 14:52'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là tôn sư trọng đạo"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy ĐHQG-Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhân dân)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy ĐHQG-Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhân dân)

Sáng 20-11, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ và có bài phát biểu quan trọng. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo ĐHQG TP Hồ Chí Minh cùng với hơn 1,2 triệu thầy, cô giáo của cả nước đang ngày đêm hăng say cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho sự nghiệp “trồng người” cao cả; ươm tài năng và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và giáo dục hiện đại đã làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và đặc biệt là những phát kiến mới với các thành tựu vĩ đại của khoa học và phát minh công nghệ không thể đoán trước, làm cho thế giới bắt đầu bước sang một kỷ nguyên công nghiệp mới. Trong tiến trình đó, đất nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa với những cơ hội to lớn, cần đón bắt để phát triển và hội nhập về giáo dục và khoa học công nghệ nhưng cũng còn không ít những khó khăn và thách thức về tình trạng kinh tế, mức sống và cả chất lượng giáo dục và khoa học công nghệ. Căn nguyên và cội nguồn để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự thịnh vượng, phồn vinh của dân tộc… suy cho cùng là vấn đề giáo dục, cụ thể hơn là giáo dục đại học chất lượng cao.

Kinh nghiệm phát triển nền giáo dục của Singapore cho thấy chính giáo dục là lối thoát cho tình trạng nghèo đói, lạc hậu… Triết lý giáo dục của UNESCO là “học để biết; để làm; học để tồn tại, và học để chung sống”. Do vậy, học không chỉ để nhớ những kiến thức, sự kiện quan trọng mà quan trọng hơn hết là biết tư duy để áp dụng chúng vào cuộc sống, như Albert Einstein nhà vật lý nổi tiếng của thế giới đã đúc kết về giáo dục trong câu nói ngắn gọn: “Giáo dục không phải là học thuộc những điều hiển nhiên, giáo dục là huấn luyện khả năng tư duy”.

Giá trị và triết lý về giáo dục đương đại và tương lai cần phải đúc kết và chuyển hóa thành các chương trình giáo dục cho mọi cấp độ và đặc biệt cần xác lập chuẩn giá trị của giáo dục đại học chất lượng cao.

Chuẩn giá trị giáo dục đại học chất lượng cao chính là chất lượng giáo dục đào tạo thực chất với đội ngũ thầy cô giáo, đội ngũ các nhà khoa học thực sự có kiến thức chuyên môn sâu rộng và tài năng; chương trình giáo dục và đào tạo phải được kiểm định, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn đạt tầm khu vực và thế giới. Chuẩn giá trị giáo dục đại học chất lượng cao sẽ là nơi thu hút và hội tụ các sinh viên xuất sắc nhất của đất nước, từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa.

Việc thứ hai trong quá trình đổi mới là đẩy mạnh quyền tự chủ của các trường đại học công lập gắn liền với trách nhiệm giải trình trước xã hội, trong đó vai trò của hội đồng các trường đại học giữ vai trò rất quan trọng nhằm định hướng phát triển và giám sát hoạt động của các trường. Tuy nhiên, tự chủ đại học không đồng nghĩa là Nhà nước phó mặc cho các trường đại học tự bươn chải. Nhà nước vẫn đầu tư chiều sâu cho các trường gắn với các chương trình đề án phát triển giáo dục và khoa học công nghệ, chỉ có điều là thay vì đầu tư dàn trải, cào bằng thì nay đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với sự năng động và trách nhiệm hơn của các trường đại học.

Đổi mới giáo dục ở Việt Nam và tự chủ đại học là vấn đề hệ trọng ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển bền vững của đất nước, có tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực và là cơ sở vững chắc để chuyển đổi mô hình và cấu trúc kinh tế của đất nước đáp ứng thời đại toàn cầu hóa.

Chính phủ nhận thấy rằng, để phát huy được tự chủ đại học và đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cần phải có cơ chế đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý hiện hành của các bộ ngành có liên quan về chương trình đào tạo, tài chính, đầu tư khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy của các trường đại học.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi và chúc mừng đến các thầy cô giáo đang công tác ở những vùng xa xôi hiểm trở, các vùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc như biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng xa. Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là tôn sư trọng đạo, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đã được gìn giữ với sự trân trọng suốt nghìn năm lịch sử. Trong tất cả chúng ta, từ trong sâu thẳm của tâm hồn luôn dành những tình cảm tốt đẹp, kính mến đến các thầy cô giáo của mình từ thuở chập chững lên ba cho đến khi rời ghế nhà trường. Chúng ta đã học và được dạy dỗ với tất cả tình yêu thương, trách nhiệm và cả niềm tin của thầy cô giáo luôn gửi gắm, dõi theo bước chân ta ra đời. Công ơn của thầy, cô giáo đối với chúng ta là vô bờ bến. Không có ngôn từ nào cô đọng để diễn đạt điều đó. Thay mặt Đảng và Chính phủ, xin được bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng và đánh giá cao các thầy, cô giáo đã dành tất cả trí tuệ, nhiệt huyết đóng góp cho nền giáo dục đại học Việt Nam.

Ngay sau buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với ĐHQG TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các bộ ngành liên quan. Thăm một số dự án và các trường thành viên trực thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự hài lòng về việc ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã hình thành đúng như mong muốn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là một cơ sở giáo dục đại học lớn bao gồm tổ hợp sáu trường đại học thành viên (Đại học Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Kinh tế - Luật, Quốc tế, Công nghệ thông tin), một viện nghiên cứu (Viện Môi trường và Tài nguyên), một khoa trực thuộc (Khoa Y) và hơn 30 đơn vị trực thuộc gồm các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phục vụ đào tạo,...

Trong quá trình phát triển, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã chủ động, sáng tạo hình thành và phát triển một số mô hình đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo điển hình, trong đó có mô hình trường đại học công lập quốc tế, tự chủ tài chính (Đại học Quốc tế); mô hình Viện nghiên cứu trực thuộc (Viện Môi trường và Tài nguyên); mô hình chuyển giao công nghệ trong Đại học (Khu Công nghệ Phần mền – tham gia chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung); mô hình Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano, Trung tâm nghiên cứu vật liệu INOMAR – được xây dựng trên nền tảng phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học đỉnh cao giữa ĐHQG TP Hồ Chí Minh và trường Đại học California tại Berkeley); mô hình Quỹ Phát triển ĐHQG TP Hồ Chí Minh (VNUF) nhằm huy động nguồn lực tài chính trong xã hội cho phát triển đại học; Quỹ Khoa học công nghệ; Quỹ khởi nghiệp; Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,...

Báo cáo với Thủ tướng, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết, ĐHQG TP Hồ Chí Minh hiện có gần 5.700 cán bộ, viên chức, với hơn 3.600 giảng viên, trong đó có 350 Giáo sư và Phó Giáo sư, 1.200 tiến sĩ, hơn 2.100 thạc sĩ đáp ứng yêu cầu quy mô đào tạo hơn 60 nghìn sinh viên đại học và sau đại học. ĐHQG TP Hồ Chí Minh xác định rõ sẽ hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam”. Trong giai đoạn 2016-2020, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển và hoàn thiện mô hình tổ hợp/hệ thống hiện đại trên nền tảng tự chủ đại học thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình xã hội thật sự.

Hiện nay, ĐHQG TP Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo có số chương trình được kiểm định quốc tế nhiều nhất nước: 30 chương trình đạt chuẩn AUN-QA; 02 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET; 7 chương trình chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (Commission des Titres d’Ingénieur - gọi tắt là Uỷ ban CTI).

ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã gia nhập Hiệp hội CDIO thế giới vào năm 2010 và đến nay có 5 trường thành viên với 58 ngành tham gia triển khai đào tạo theo mô hình tiếp cận CDIO. ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng đã giới thiệu để nhân rộng mô hình này đến các trường đại học trong nước.

Về việc đang được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên của cả nước trên diện tích 643,7 ha tại khu quy hoạch Thủ Đức - Dĩ An, nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, đồng chí Huỳnh Thành Đạt cho biết, diện tích đã giải phóng mặt bằng và được nhận bàn giao là 470,5ha, đạt 73%. Khó khăn trong công tác xây dựng dự án là chưa hoàn thành khu tái định cư; chính sách, giá đền bù không ổn định, thay đổi theo thời gian; giá đất ngày càng tăng dẫn đến khiếu kiện ngày càng nhiều do có chênh lệch về giá đất (mỗi năm tăng thêm gần 100 tỷ đồng). Do đó, ĐHQG TP Hồ Chí MInh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng ĐHQG TP Hồ Chí Minh và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án. Bố trí kịp thời nguồn vốn ngân sách cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn thực hiện công tác này. Cho phép ĐHQG TP Hồ Chí Minh được vay vốn ngân hàng để chi trả cho công tác này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận các kiến nghị của ĐHQG TP Hồ Chí Minh; chỉ đạo các địa phương, bộ ngành liên quan nhiều công việc cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ĐHQG TP Hồ Chí Minh phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao là đơn vị tiên phong trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mô hình tiên phong trong tự chủ đại học, trong đó trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm giải trình là một yêu cầu quan trọng….

TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất