Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 27/2/2024 18:5'(GMT+7)

Thủ tướng: Nội dung các luật phải được diễn đạt rõ ý, ngắn gọn, dễ thực hiện, dễ kiểm tra

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời phân tích sâu các vấn đề căn cơ và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật.

Trong đó, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật và các đề nghị xây dựng luật: Phòng không nhân dân; Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Hàm, cấp ngoại giao; Hàng không (sửa đổi); Đường sắt (sửa đổi); Công nghiệp công nghệ số và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đối với dự án Luật Phòng không nhân dân, các đại biểu thảo luận kỹ về việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; quy định các trường hợp được miễn trừ cấp phép bay khi khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay...

Ở dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chính phủ cho ý kiến về khái niệm công cụ, phương tiện có tính năng, tác dụng tương tự; việc bỏ quy định về súng săn; về hoạt động đầu tư, kinh doanh dao có tính sát thương cao...

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Thảo luận về đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao, các đại biểu quan tâm về hoàn thiện quy trình, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến công tác hàm, cấp ngoại giao; hoàn thiện và cập nhật quy định về đối tượng phong hàm ngoại giao, tiêu chuẩn hàm ngoại giao; cơ chế đãi ngộ và các bảo đảm về điều kiện làm việc; nghĩa vụ, trách nhiệm của người mang hàm ngoại giao…

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các thành viên Chính phủ đề nghị xây dựng các quy định khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành, nhất là trong cấp phép lưu hành thuốc, tránh cơ chế xin - cho; phát triển theo cơ chế thị trường; tăng cường phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính; khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dược; kiểm soát quảng cáo dược theo quy định và đạo đức xã hội; quy định kê khai giá bán thuốc…

Trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chính phủ thảo luận quy định về quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh; việc cấm kinh doanh Bảo vật quốc gia; cấm xuất khẩu di vật, cổ vật; về bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia và di sản tư liệu là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động nguồn lực toàn xã hội trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa…

Với đề nghị xây dựng Luật Hàng không (sửa đổi), cùng với xem xét quy trình xây dựng luật, Chính phủ thảo luận các chính sách trong đề nghị xây dựng luật như việc đảm bảo độc lập, chủ quyền, quản lý vùng trời đất nước; về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không; về an toàn hàng không; an ninh hàng không; về cảng hàng không sân bay; về vận chuyển hàng không; huy động nguồn lực, hợp tác công - tư trong phát triển hàng không…

Về đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi), Chính phủ thảo luận, cơ bản thống nhất về các nội dung liên quan đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt; hoạt động vận tải đường sắt; kết nối các phương thức vận tải; phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt...

Đối với đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Chính phủ thống nhất giao xây dựng Luật gồm 2 nhóm chính sách về hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số và bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số, với 14 chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng cần có kế hoạch nghiên cứu, sửa đổi Luật Công nghệ thông tin để bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Với dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, các thành viên Chính phủ thảo luận về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau như: phạm vi điều chỉnh đối với quản lý hoạt động chế biến khoáng sản; phân nhóm khoáng sản và phân cấp trong cấp phép khai thác khoáng sản; việc khai thác các khoáng sản; về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản...

Cho ý kiến cụ thể đối với từng nội dung và giao việc hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ, cơ quan đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các thành viên Chính phủ và các đại biểu. Thủ tướng giao các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình theo quy định đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Về chuẩn bị đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội; bảo đảm chất lượng, tiến độ. Theo quy định, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 1/3/2024.

Cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua khoảng 9 luật, cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án luật, Thủ tướng chỉ rõ, số lượng các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 rất lớn, nên các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.

“Các bộ, ngành xây dựng các luật đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông cho phát triển; kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung đã được pháp luật quy định nhưng thực tiễn vượt qua và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn mà luật pháp chưa có; việc diễn đạt các nội dung phải rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực, có chế độ tuyển dụng, ưu đãi nhiều hơn đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Thủ tướng lưu ý, tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời sửa đổi để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, người dân; tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện nước ta; tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật…/.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất