Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 23/4/2018 15:42'(GMT+7)

Thủ tướng: Phải thay đổi tư duy chiến lược về xuất nhập khẩu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

 

Đánh giá toàn diện kỳ tích xuất khẩu năm 2017, nhận diện bối cảnh, tình hình thế giới, tháo gỡ khó khăn cả về thể chế, chính sách và sản xuất, đó là mục đích của Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc diễn ra sáng 23/4, tại Hà Nội.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đông đảo các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hiệp hội, ngành hàng trong cả nước.

Kỳ tích và hạn chế

Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao.

Song, đi sâu vào các chỉ số có thể thấy, mặc dù xuất khẩu chuyển từ dựa mạnh vào dầu thô sang nhóm hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu) nhưng nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.

Theo tổng hợp của Bộ Công thương, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu. Đây là một điểm bất lợi do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nhạy cảm với các biến động thương mại trên thị trường thế giới.

Sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến nhận định, vẫn còn một số vấn đề, một số quy định chưa được hợp lý mà doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, có sự điều chỉnh để tạo điều kiện cho xuất khẩu như chính sách thuế giá trị gia tăng (diện mặt hàng chịu thuế, thời gian, thủ tục hoàn thuế VAT), chính sách thuế nhập khẩu đối với một số nguyên phụ liệu, quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…

Nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí của nền kinh tế còn cao (chi phí lãi suất, chi phí vận tải, mức thu các loại phí cảng còn cao ở nhiều nơi...) làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
 

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)


5 câu hỏi lớn cho ngành công thương

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chiếm lĩnh thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính là con đường để kinh tế Việt Nam cất cánh bởi một nước nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao, làm cho kinh tế bấp bênh, đời sống người dân khó khăn.

Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn cho ngành công thương: Làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam? Sáng kiến để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu? Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu? Tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa như thế nào, “những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước? Khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay?

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, nhất là từ phía các hiệp hội, ngành hàng, nhà sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật vấn đề tồn tại nổi cộm cản trở tăng trưởng xuất khẩu chính là thể chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.

Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng cho rằng không chỉ sửa đổi trong phương thức quản lý, tạo môi trường thông thoáng mà còn phải sửa đổi khuôn khổ pháp lý, chính sách thuế, văn bản quản lý ngoại thương… để khuyến khích xuất khẩu. Ngoài việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, cần thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, 1 cửa ASEAN, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trao đổi chứng từ thương mại, thủ tục hàng hóa, thông quan… tránh cách làm thủ công, dễ phát sinh tiêu cực và thuận tiện cả cho doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước.

Phải bám sát vào những vấn đề đang nóng hổi trong cuộc sống để xây dựng, tháo gỡ thể chế và pháp luật, Thủ tướng chỉ đạo.

Liên quan đến chi phí, Thủ tướng phân tích, chi phí cao thì khó cạnh tranh, trong khi cạnh tranh chính là bản chất của kinh tế thị trường. Do đó, việc giảm chi phí ở mọi khâu như: Logistic, vốn, thủ tục, tiền lương và đặc biệt là chi phí “gầm bàn”, chi phí không chính thức… là rất quan trọng và cần được tiến hành ở mọi địa phương, bộ, ngành.

Xử lý nghiêm hành vi gian dối trong sản xuất

Đối với khâu quản lý chất lượng sản phẩm, nhắc đến những trường hợp gian dối trong sản xuất thực phẩm, hàng hóa gần đây, Thủ tướng chỉ rõ đây là "mấy con sâu làm rầu mấy nồi canh,” làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của hàng hóa trong nước. Thủ tướng yêu cầu điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các vụ việc bức xúc mới đây như: Vụ “cà phê pin” hoặc vụ “thuốc chữa ung thư bằng than tre” hoặc như hành vi bơm chất độc vào tôm và các sản phẩm nông nghiệp.

Cần tạo nên phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân, phòng, chống những việc làm gian dối trong sản xuất và xuất khẩu, Thủ tướng nói.

Đặc biệt lưu ý yêu cầu nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh phải đặt vấn đề thị trường trước khi lập quy hoạch phát triển sản xuất.

“Phải sản xuất cái mà người ta cần chứ không phải cái đã có ở địa phương”, Thủ tướng chỉ rõ. Ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội, ngành hàng cùng chung tay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, chủ động đề xuất với Nhà nước về sản xuất và thị trường.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng định hướng xuất khẩu với bước đi thích hợp, Thủ tướng nhấn mạnh, những vấn đề đặt ra trên thế giới và trong nước đòi hỏi “phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên trong lĩnh vực này,” Thủ tướng nói.

Đi liền với đó là mở rộng hợp tác, liên kết cùng phát triển, cùng có lợi, nhất là những tỉnh có điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu theo hướng xây dựng những vùng chiến lược để có thủ lĩnh sản phẩm xuất khẩu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo chủ động trong đàm phán quốc tế để có nhiều thị trường hơn cho xuất khẩu, mà trước hết là tập trung vào thị trường Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN.

Đi liền với đó là phát huy tiềm năng, khai thác tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng trong nước có thể mạnh như: Đồ gỗ, cà phê, tiêu, dệt may, da giày, trái cây, phần mềm, gạo… với những chiến lược phát triển cụ thể.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt mục tiêu tổng quát đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 15-20% nhưng đảm bảo cân đối xuất nhập khẩu và đặc biệt là kiểm soát nhập siêu.

Thủ tướng đề nghị xây dựng chiến lược xuất khẩu toàn diện, không chắp vá với nhiều mục tiêu như: Nâng cao giá trị gia tăng; phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn; tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, huy động nguồn lực cho sản xuất; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống logistic hậu cần thuận tiện với phí rẻ hơn; tìm kiếm mở rộng, chinh phục thị trường bài bản, hiệu quả hơn; xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới…

Riêng đối với mặt hàng nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm.

Đây là Hội nghị thứ 4 nằm trong chuỗi 15 Hội nghị toàn quốc nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh... thúc đẩy tăng trưởng bền vững của đất nước sẽ được tổ chức trong năm nay./.

Quang Vũ (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất