Chiều tối 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành để
thảo luận về việc xây dựng dự án luật nhằm sửa đổi một số nội dung của
các luật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Dự cuộc họp có các Phó Thủ
tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; lãnh đạo
các bộ, ngành, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về đề nghị xây dựng
Luật sửa đổi một số điều của các luật: Luật Ngân sách nhà nước; Luật
Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Kế toán; Luật
Kiểm toán độc lập; Luật Chứng khoán; Luật Quản lý thuế. Các đại biểu
thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết xây dựng luật, quy trình thủ tục,
hồ sơ và các nội dung chính sách của luật này.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây
dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong 3 đột phá chiến lược
đã được Đảng, Nhà nước xác định. Trong đó, cùng với việc rà soát, xây
dựng Luật, khi trên thực tế có những vướng mắc phát sinh thì phải kịp
thời sửa đổi, bổ sung.
Nhất trí việc xây dựng 01 luật để sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh
vực tài chính nhằm xử lý các vướng mắc pháp luật, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, sửa đổi những nội dung hết sức cơ bản,
cấp bách, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,
thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, cùng với tăng cường quản lý nhà nước bằng các chính sách,
quy trình, quy chuẩn và công cụ kiểm tra, giám sát, luật phải nhằm đẩy
mạnh cải cách thủ tục hành chính, tránh cơ chế xin - cho, giảm phiền hà
cho người dân, doanh nghiệp; không tạo ra môi trường cho tham nhũng,
tiêu cực; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất
kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tháo gỡ
các vướng mắc, huy động mọi nguồn lực, khơi thông cho phát triển; thực
hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các bất cập, làm rõ các
quy định cần phải sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tăng cường phân cấp cho địa
phương xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thẩm quyền quyết định
thu chi ngân sách, giải ngân đầu tư công; tăng thu, giảm chi phí, giảm
lãng phí... trong Luật Ngân sách Nhà nước; làm rõ các tiêu chí, căn cứ,
nguyên tắc linh hoạt để xử lý các vấn đề cấp bách quy định trong Luật Dự
trữ Quốc gia; rà soát để phân cấp hơn nữa trong việc xem xét, quyết
định xử lý tài sản công thuộc thẩm quyền và bảo đảm thống nhất trong áp
dụng pháp luật tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công, vừa đảm bảo công
tác quản lý, vừa huy động được nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo đánh giá cụ thể Luật Kế toán để tháo gỡ, tạo khung
pháp lý để cán bộ yên tâm, không sợ sai. Rà soát các quy định cụ thể của
Luật kiểm toán, nhằm bảo đảm có căn cứ pháp lý để tăng cường năng lực
của doanh nghiệp kiểm toán hoạt động hiệu quả; phòng ngừa rủi ro về tài
chính của doanh nghiệp, nhất là các giao dịch kinh tế phức tạp, có quy
mô lớn; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng
niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Luật Chứng khoán phải
tháo gỡ các vướng mắc cho phát triển, song phải ngăn ngừa, xử lý các sai
phạm, nhất là các hành vi lừa đảo, lợi dụng các sơ hở của pháp luật để
gian lận, trục lợi trên thị trường...
Đối với Luật Quản lý Thuế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, bảo
đảm giải quyết triệt để các vướng mắc về thủ tục quản lý thuế theo hướng
đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện cho doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là trong các thủ tục hoàn thuế, khấu trừ,
xử lý chậm nộp; tăng cường cơ chế hậu kiểm, phòng ngừa gian lận, trốn
thuế bảo đảm chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành tiếp tục rà
soát kỹ, đóng góp ý kiến theo đúng mục tiêu, đối tượng, phạm vi đã đề
ra; giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo quy
định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ xem
xét, quyết định để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 vào tháng
10/2024, đảm bảo lộ trình, tiến độ, chất lượng. Trong quá trình xây dựng
phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, nếu có những vấn
đề phát sinh, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp, cơ quan có thẩm quyền xem
xét, cho ý kiến./.
TTXVN