Sáng 3/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023.
Dự phiên họp còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới; tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ; xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, vật tư y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đến nay đã trải qua 2 tháng, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến tình hình trong nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phân tích kỹ tình hình khu vực, thế giới và các tác động đến tình hình trong nước; dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới; chỉ ra những thuận lợi, thời cơ, nhất là khó khăn, thách thức để có giải pháp phù hợp; đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng, những tồn tại, vướng mắc, khó khăn, yếu kém; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, phát huy tối đa thời cơ thuận lợi, kinh nghiệm quý, kết quả tốt trong 2 tháng vừa qua, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho biết, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, tình hình có không ít khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các công việc, nhất là thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và đạt được một kết quả nổi bật.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững ổn định, lạm phát kiểm soát, các cân đối lớn bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2/2023 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng 1 (tăng 4,89%); bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng ước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực; 2 tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại tháng 2 ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ tín dụng, lãi suất, tiền thuê nhà, giảm thuế, lệ phí... cho các đối tượng.
Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, căn cứ số vốn hơn 707.044 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% số vốn Quốc hội quyết nghị. Đến ngày 1/3/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 85,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, ước thanh toán đến ngày 28/02 là hơn 49.247 tỷ đồng, đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng.
Về tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao hơn 48.355 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2023 cho các bộ, địa phương; đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn. Đến ngày 1/3, có 42/48 địa phương đã giao chi tiết dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực; thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng quốc tế tiếp tục được cải thiện, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Tin: Phạm Tiếp; Ảnh: Dương Giang (TTXVN)