Sáng 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd và Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan.
Tại cuộc hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, Thủ tướng Phạm Minh
Chính cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ Thụy Sĩ; chúc mừng thành
công Hội nghị WEF Davos 2024 với sự tham gia của gần 3.000 lãnh đạo các
chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu.
Hai bên bày tỏ vui mừng
trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác
giữa hai nước, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, hỗ trợ
phát triển, văn hóa, giáo dục; khẳng định việc lãnh đạo hai nước thường
xuyên duy trì các tiếp xúc, trao đổi đoàn đã góp phần củng cố tin cậy
chính trị giữa hai nước.
Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội
vượt bậc của Việt Nam trong những năm vừa qua; khẳng định Việt Nam là
đối tác kinh tế ưu tiên và quan trọng hàng đầu của Thụy Sĩ ở Đông Nam Á.
Tổng thống Thụy Sĩ cam kết sẽ tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt
Nam, với hơn 40 dự án đang được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó
có việc chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững, giáo dục, doanh
nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những thành quả của hợp tác giữa
hai nước trong 50 năm qua là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hiệu
quả giữa hai nước; là cơ sở để hai bên tiếp tục nâng tầm quan hệ trong
thời gian tới. Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị
tốt các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, qua đó rà soát, đánh giá kết
quả hợp tác và đề xuất những biện pháp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác.
Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp ODA, góp phần hỗ trợ
Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; mong muốn
có thêm nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam; tăng cường hợp
tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác an ninh
quốc phòng.
Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất sẽ có cách tiếp cận linh hoạt trong
đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do
châu Âu (EFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư song phương nhằm tạo thuận lợi
cũng như bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước.
Về đa phương, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt
chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Về vấn đề
Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do
hàng hải, hàng không tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp
bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), giảm
thiểu các tác động của các nhân tố địa chính trị tới chuỗi cung ứng và
sự luân chuyển của hàng hóa ở khu vực và trên toàn cầu.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị Chính phủ
Thụy Sĩ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại
Thụy Sĩ hội nhập tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thụy Sĩ,
cũng như góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị
Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển. (Ảnh: TTXVN)
Tại cuộc gặp với Tổng Thư ký UNCTAD, bà Rebeca Grynspan nhấn mạnh
UNCTAD luôn coi Việt Nam là một hình mẫu về phát triển, về niềm tin và
sự lạc quan trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như
hiện nay. Cá nhân bà, với tư cách là nguyên Phó Tổng thống Costa Rica,
luôn coi Việt Nam là một hình mẫu trong phát triển và mong muốn được đến
thăm Việt Nam.
Tổng Thư ký UNCTAD chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trong
năm nay, UNCTAD sẽ tổ chức một Hội nghị toàn cầu và mong muốn Việt Nam
cử lãnh đạo tham dự. Đồng thời, bà Rebeca Grynspan bày tỏ mong muốn Việt
Nam tham gia, đóng góp tích cực vào việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng
UNCTAD trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà Tổng Thư ký dành
cho Việt Nam; khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò của UNCTAD trong
việc hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong việc
tư vấn, hỗ trợ xây dựng các chính sách phát triển, góp phần duy trì cuộc
sống ấm no cho người dân.
Thủ tướng khẳng định nhờ sự hỗ trợ của UNCTAD, Việt Nam vững tin và
kiên định các đường lối phát triển đã đề ra; bày tỏ mong muốn UNCTAD
tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên tất cả các khía cạnh phát triển, giúp đào
tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là tạo điều kiện tuyển dụng thêm nhiều
chuyên gia của Việt Nam làm việc tại Ban Thư ký UNCTAD trong thời gian
tới.
Thủ tướng cũng mong muốn UNCTAD phát huy hơn nữa vai trò trong thúc
đẩy hợp tác toàn cầu và hợp tác Nam - Nam, nhất là mô hình hợp tác ba
bên, giữa Việt Nam với một nước phát triển và một nước kém phát triển
hơn.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã chuyển lời mời Tổng Thư ký sớm sang thăm
Việt Nam để tiếp tục trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ
hợp tác giữa hai bên./.
TTXVN