Dự án tuyến đường bộ cao tốc
cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng -
vận hành - chuyển giao) do liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả,
Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần xây dựng công trình 568
và Công ty cổ phần LIZEN đầu tư. Dự án được thực hiện trên địa bàn các
huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều
dài khoảng 59,87km. Tổng mức đầu tư dự án là 11.024 tỷ đồng, trong đó
vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư
chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự kiến dự án hoàn thành
trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án tuyến cao tốc này là 25 năm
7 tháng 26 ngày.
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, dự án được đầu tư
nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối
với đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng,
là ước vọng nhiều đời nay của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, góp
phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo dư địa, động lực
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh và
khu vực Đông Bắc Bộ.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho rằng, quá trình triển khai
dự án sẽ còn nhiều khó khăn chờ đợi phía trước nhưng Tập đoàn nói riêng
và liên danh nhà đầu tư nói chung hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực
hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”,
tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới
như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện
tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ Bim để quản lý chất lượng và tiến độ
Dự án…
Phát lệnh khởi công dự án và phát biểu tại sự kiện hướng tới kỷ niệm
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước, tại vùng đất Chi Lăng giàu truyền thống lịch sử, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển hệ thống kết cấu
hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược, được Đảng,
Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Những năm qua, cả nước đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược. Nhiều
dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai kết nối các vùng miền,
trong đó có tuyến Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối 32
tỉnh, thành phố và 3 vùng kinh tế trọng điểm.
Theo Thủ tướng, Dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do UBND
tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; được xây dựng theo tiêu
chuẩn cao tốc mới; đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. Dự án góp
phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển
hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông. Dự án mở ra không
gian phát triển mới, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa vùng miền
núi phía Bắc với đồng bằng Sông Hồng; kết nối 2 tuyến hành lang kinh tế:
Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hồ Chí
Minh - Mộc Bài; là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước ASEAN với Trung
Quốc.
Qua đó, cũng góp phần thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền đi
đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra giám sát; phát huy tính
tự lực tự cường, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời thực hiện hiệu quả chủ
trương đẩy mạnh hợp tác công tư trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và
với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ,
chính quyền, quân và dân các dân dộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng cùng các
bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, nỗ lực lớn, với tinh thần trách
nhiệm cao, khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức để chính thức khởi
công xây dựng công trình; cảm ơn nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã
nhường chỗ ở, sản xuất, kinh doanh cho dự án.
Cho rằng, việc khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu, quá trình triển
khai thực hiện cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng còn rất nhiều
việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề, Thủ tương yêu cầu các Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan liên quan tiếp
tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn để hỗ trợ, cùng tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án, bảo đảm mục tiêu chất
lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả.
Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành
với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; tập trung
chỉ đạo triển khai, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật; hoàn thành đúng
tiến độ và chất lượng đề ra; thực hiện nghiêm túc các cam kết theo hợp
đồng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả đầu tư, an
toàn thi công; giảm thiểu các tác động đến môi trường và đời sống người
dân.
Nhấn mạnh, giải phóng mặt bằng dự án là nhiệm vụ hết sức quan trọng,
Thủ tướng yêu cầu Lạng Sơn và các nhà đầu tư phải đặc biệt quan tâm chăm
lo đời sống của đồng bào có đất đai, tài sản trong diện giải phóng mặt
bằng để xây dựng Dự án; tạo mọi điều kiện thuận lợi để cuộc sống của
đồng bào ngày một tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư BOT và các nhà thầu thi công
phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, rà soát, bám sát, có kế hoạch,
phương án, giải pháp cụ thể bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình
theo từng tuần, từng thán; thực hiện đúng hợp đồng và các nội dung đã
cam kết; chống tiêu cực.
Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn phải bảo đảm thi công đúng tiến
độ, chất lượng, không kéo dài, phải chống lãng phí, tham nhũng, tiêu
cực; đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả. Đề nghị tất cả các
bên quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án sớm hơn kế hoạch đề ra.
Nhà thầu thi công và tư vấn giám sát lưu ý phải chủ động, tích cực
triển khai dự án, bảo đảm đạt tiêu chí mẫu mực về quản lý tiến độ - chất
lượng - mỹ quan, thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý chất
lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi
trường trong quá trình thi công.
Cho biết, việc thực hiện dự án với thời gian ngắn, công việc nhiều,
yêu cầu cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị tổ chức thi công “3
ca 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, xuyên Tết”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn
tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; tin tưởng
nhân dân tiếp tục ủng hộ dự án, hỗ trợ các nhà quản lý, nhà đầu tư, đơn
vị thi công thực hiện dự án đạt mục tiêu đề ra góp phần thực hiện thắng
lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hiện thực hóa mục tiêu
chiến lược: đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện
đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển,
thu nhập cao.
Tại sự kiện, trao tiền hỗ trợ xóa nhà dột nát, nhà tạm cho nhân dân
các dân tộc tỉnh Lạng Sơn do các nhà đầu tư tài trợ, Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Lang Sơn, các tổ chức, cá nhân đã tích
cực hưởng ứng phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025, với 3.200 căn nhà đã được huy
động.
Thủ tướng mong muốn các tổ chức, cá nhân tiếp tục hưởng ứng phong
trào có tính “toàn dân, toàn diện” này, với tinh thần “tương thân, tương
ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “người có
công góp công, người có của góp của; người có ít góp ý, người có nhiều
góp nhiều” để đến năm 2025 cả nước không còn hộ dân nào phải ở nhà dột
nát, tạm bợ./.
TTXVN