Đề cập đến một lối ra “mở” và bền vững cho Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng của sự phát triển. Thủ tướng kỳ vọng Quảng Bình sẽ tạo nên một làn “Gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam.
Sau khi tới thăm xã nông thôn mới, tặng quà một số gia đình chính sách và dự lễ khởi công một số công trình giao thông trọng điểm của địa phương, chiều 25/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình để tìm cách hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đưa vùng đất giàu truyền thống, tiềm năng này vươn lên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là phát huy tốt thế mạnh nổi trội về du lịch.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá Quảng Bình là địa phương nổi trội và khác biệt về du lịch so với cả nước và đây chính là định hướng trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các ý kiến đều cho rằng Quảng Bình có đủ điều kiện phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đề nghị Thủ tướng đồng ý chấp thuận bổ sung vào quy hoạch Khu du lịch quốc gia Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xây dựng tuyến cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng dài 5,2km từ đường Hồ Chí Minh vào Hang Én, trên cơ sở phù hợp quy định của UNESCO, pháp luật Việt Nam để phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch của tỉnh. Một số ý kiến góp ý cần tăng cường liên kết vùng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, nhất là du lịch của Quảng Bình. Theo đó, phải kết du lịch Quảng Bình với Đà Nẵng và Huế; trong phát triển công nghiệp phải kết nối được Quảng Bình với Vũng Áng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đặt vấn đề tìm lối ra bền vững, bứt phá đối với Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Quảng Bình là một Việt Nam xanh, thu nhỏ, giàu truyền thống văn hóa, nhất là văn hóa bản địa. Chính những lợi thế này đã thu hút sự quan tâm của du khách khắp thế giới đến với Quảng Bình. Thủ tướng kỳ vọng, Quảng Bình sẽ tạo nên một làn “Gió Đại Phong” mới cho du lịch Việt Nam.
Biểu dương cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự đổi mới về chỉ đạo, đoàn kết, quyết tâm trong hành động và có khát vọng vươn lên, Thủ tướng đánh giá, năm 2017, Quảng Bình, kinh tế - xã hội, nông nghiệp, dịch vụ nhất là du lịch của tỉnh đã tăng dần, tỉnh đã phục hồi sản xuất nghề cá, đánh bắt hải sản, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện.
Nêu ra một số thách thức, khó khăn của địa phương như: Gặp nhiều thiên tai, bão lũ; cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, nền kinh tế quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, Thủ tướng phân tích, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường đầu tư kinh doanh còn ở mức thấp đang là những yếu tố cản trở sự tăng trưởng của địa phương.
Đề cập đến một lối ra “mở” và bền vững cho Quảng Bình, Thủ tướng cho rằng: Con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng của sự phát triển.
Về những biện pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị Quảng Bình nâng cao chất lượng quy hoạch với tầm nhìn đồng bộ, không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau và nên tham khảo sự tư vấn của chuyên gia nước ngoài. Quảng Bình phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đi đôi với đánh giá đúng chất lượng cán bộ, công khai minh bạch trong quản lý Nhà nước và phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp, phấn đấu có 10 ngàn doanh nghiệp vào 2020. Tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước yêu cầu hội nhập quốc tế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả cán bộ quản lý giỏi vào hệ thống.
“Mọi dự án, chương trình cần có chính sách phát triển bền vững, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và các điều kiện khác”, Thủ tướng căn dặn.
Cùng với đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển kinh tế; xã hội hóa nguồn lực mọi chương trình, dự án theo hướng dựa vào dân, vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tướng mong muốn Quảng Bình tập trung nguồn lực để có cơ chế quản lý phát triển bền vững du lịch, đặc biệt cần có chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, bài bản hơn, tăng cường quảng bá hình ảnh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hang Sơn Đòng - những lợi thế so sánh chỉ có ở Quảng Bình. Nâng cao chất lượng các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn. Đi liền với đó là xây dựng một cộng đồng làm du lịch, cư dân thân thiện, tình cảm, văn minh sạch sẽ đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, văn hóa, tạo nên một ngành du lịch Quảng Bình đầy sắc thái, hấp dẫn du khách.
Quảng Bình là danh xưng thiêng liêng của một vùng đất nằm ở Bắc miền Trung, nơi hội tụ giữa các yếu tố tự nhiên và văn hóa của cả hai miền Nam - Bắc. Đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần độc đáo. Phía Đông có bờ biển dài 116,04 km, phía Tây giáp Lào với đường biên giới dài 201,87 km, có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, lại nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, Quảng Bình có vị trí địa chính trị, quân sự và kinh tế quan trọng của cả nước.
Sở hữu những bãi tắm đẹp như: Vũng Chùa - Đảo Yến (nơi yên nghỉ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp), Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, biển Hải Ninh... Quảng Bình có điều kiện thuận lợi để xây dựng các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với diện tích 120.000 ha, có giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo đá vôi phức tạp ở khu vực Đông Nam Á với những hang động đẹp nổi tiếng như: Động Phong Nha, động Thiên Đường và động Sơn Đoòng - động lớn nhất Thế giới (được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vĩ nhất thế giới).
Bờ biển Quảng Bình có thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền tạo cho Quảng Bình có một ngư trường rộng với trữ lượng lớn. Nguồn lợi hải sản biển đa dạng, phong phú về loài (1.650 loài), có những loại quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, hải sâm, mực ống, mực nang, san hô quý.
Quảng Bình còn là vùng đất văn vật, có di sản văn hóa Bàu Tró, nhiều di tích lịch sử như Quảng Bình Quan, Lũy Thầy, thành cổ của thời Trịnh - Nguyễn... Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hóa nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như ''Bát danh hương'' Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim. Đây còn là miền đất gắn liền với tên tuổi nhiều danh nhân tiền bối, tướng lĩnh tài ba, học rộng, đỗ cao như Dương Văn An, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hàm Ninh, Hoàng Kế Viêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Năm 2016, trong bối cảnh nhiều khó khăn mà đặc biệt là từ sự cố môi trường biển, khiến mức tăng trưởng của Quảng Bình chỉ đạt 4,5%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.305 USD. Sự cố môi trường biển đã làm cho sản xuất, kinh doanh, khai thác thủy, hải sản bị đình trệ; du lịch Quảng Bình rơi vào tình trạng điêu đứng, nhiều khách sạn, nhà hàng ngừng hoạt động, các ngành dịch vụ khách bị ảnh hưởng rất nặng nề, khách du lịch đến tỉnh giảm gần 30%; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành giảm gần 13% so với cùng kỳ.
Song, từ đầu năm 2017 đến nay, kinh tế - xã hội Quảng Bình đã có bước phục hồi, hoạt động du lịch dần phục hồi và có nhiều khởi sắc, lượng khách du lịch tăng 17%. Tính đến nay, Quảng Bình còn 11% hộ nghèo. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Quảng Bình đã chi trả 2.634 tỷ đồng, bằng 99,14% tổng số tiền được phê duyệt trong công tác bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.
(TTXVN)