Dự cuộc họp có các Phó Thủ
tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các
bộ, ngành Trung ương liên quan; lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế trong lĩnh
vực năng lượng.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết,
theo tính toán cứ tăng trưởng kinh tế 1%, thì nhu cầu điện tăng 1,5%.
Năm 2024, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, năm 2025
và những năm sau phấn đấu có mức tăng trưởng cao hơn, theo đó nhu cầu
năng lượng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cũng tăng theo, nhu
cầu điện tăng ít nhất 10%.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bài học trong năm 2023, mặc dù Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về đảm bảo điện, song Bộ
Công Thương, Ủy ban Quản lý doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp thực
hiện còn chưa quyết liệt nên xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại một
số thời điểm, một số nơi; gây ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống người
dân, ảnh hưởng uy tín đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc thiếu điện
xảy ra trong khi về tổng thể nguồn điện không thiếu mà do công tác chỉ
đạo điều hành còn hạn chế.
Do đó, để bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc
gia, nhất là khi đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị từ sớm, từ xa để đáp ứng đủ
năng lượng nền kinh tế. Trong đó, phải hoàn thiện thể chế, pháp luật;
điều chỉnh Quy hoạch điện VIII; đa dạng hóa nguồn điện, trong đó có tự
sản tự tiêu, nhập khẩu, điện gió ngoài khơi; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
tại các dự án điện tồn đọng…
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 9 tháng năm 2024, EVN đã
đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu
sinh hoạt của nhân dân, với tổng số điện sản xuất và nhập khẩu đạt
232,8 tỷ kWh, tăng gần 11%; điện thương phẩm đạt hơn 208 tỷ kWh, tăng
hơn 11%.
EVN tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp Thủ
tướng Chính phủ giao để đảm bảo cung cấp đủ điện các tháng cuối năm
2024, với điện sản xuất và nhậu khẩu đạt hơn 77 tỷ kWh; điện thương phẩm
ước đạt 67,7% tỷ kWh.
Theo tính toán, với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các giải
pháp từ sớm, từ xa, việc cung ứng điện năm 2025 cơ bản vẫn được đáp ứng.
Tuy nhiên, còn tiềm ẩn rủi ro khu vực miền Bắc trong các thời điểm cao
điểm cuối mùa khô nếu nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.
Hiện nay, EVN đang triển khai đầu tư 10 dự án nguồn điện với tổng
công suất 6.793 MW. Trong đó, các dự án đang thi công gồm: Thủy điện
Yaly mở rộng, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I; các
dự án đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư: Thủy điện Trị An mở
rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II, các
dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất, các Nhà máy điện mặt
trời Phước Thái…
Cùng với đó, đang triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện các
dự án nguồn điện mới trong Quy hoạch điện VIII như Nhà máy nhiệt điện Ô
Môn I, Thủy điện Tuyên Quang mở rộng, các thủy điện Sê San 3, 4 mở rộng,
dự án điện gió ngoài khơi bắc Bộ.
Về lưới điện, ngoài dự án đường dây 500 kV mạch 3, hiện nay EVN đang
đôn đốc triển khai các dự án lưới điện trọng điểm gồm dự án lưới điện
nhập khẩu từ Lào và các dự án giải tỏa thủy điện Tây Bắc, đấu nối nguồn
điện khí.
Trong đó, hoàn thành 2 liên kết nhập khẩu 220 kV Nậm Mô – Tương
Dương, Bờ Y; hiện đang thực hiện 3 liên kết, dự kiến hoàn thành vào cuối
năm 2024 là 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ, Nậm Sum – Nông Cống, Nam Emoun –
Tram cắt Đăk Ooc; đã trình chủ trương đầu tư đường dây 500 kV Lào Cai –
Việt Trì, đang triển khai đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ - Việt
Trì. Ngoài ra, có các dự án đấu nối nguồn điện khí như: lưới điện đồng
bộ với Nhà máy Nhiện điện Nhơn Trạch 4, 3.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ,
ngành thảo luận phân tích kỹ tình hình sản xuất, nhập khẩu điện; nhu cầu
sử dụng điện; rà soát năng lực cung ứng điện của các Nhà máy thủy điện,
nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời; việc triển khai các dự án điện về
nguồn điện, lưới điện; việc chuẩn bị cung ứng các nguyên, nhiên liệu
phục vụ sản xuất điện như than, khí…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, biểu dương các
bộ, ngành, tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng, nhất là Tập đoàn Điện lực
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất,
tiêu dùng cả năm 2024, với lượng tiêu thụ tăng 11 -13%/năm, trong khi
nguồn điện không tăng, trong đó có hoàn thành đường dây tải điện 500 kV
mạch 3 chỉ trong hơn 6 tháng triển khai.
Theo Thủ tướng, dự tính năm 2025, nhu cầu điện cả nước tăng khoảng
2.200 MW, song với các giải pháp cụ thể, cơ bản sẽ không thiếu điện. Tuy
nhiên về lâu dài, với tốc độ nhu cầu điện tăng từ 12 - 15%, để đảm bảo
nguồn điện trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030, các bộ, ngành phải chủ
động, tích cực thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho
sản xuất, tiêu dùng.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương triển khai Nghị
định mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện, trình ngay Thủ tướng Chính phủ
xem xét ban hành Nghị định về mua bán điện tự sản tự tiêu, điện mặt
trời, áp mái nhằm, khuyến khích phát triển điện sạch, hình thành ngàn
công nghiệp điện năng lượng tái tạo; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc thúc đẩy các dự án, nhất là vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư, quy
hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt
bằng…, trong đó hoàn thành thực hiện các liên kết điện nhập khẩu trong
năm 2024; triển khai xây dựng đường dây 500 kV Lào Cai - Việt Trì, trong
6 tháng; bổ sung thêm các dự án nguồn điện, lưới điện mới, tăng nguồn
cung điện để chủ động hơn, bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh
năng lượng quốc gia; khẩn trương hoàn thành đàm phán nhập khẩu điện từ
Lào, Trung Quốc.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương
hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; cập nhật Quy hoạch điện VIII,
trong đó tăng cường phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin – cho, cải
cách hành chính, giảm chi phí đầu vào, giảm giá điện; tăng cường khai
thác than, khí phục vụ cho sản xuất điện, giảm nhập khẩu, song quyết
tâm, quyết liệt chuyển dần điện than sang sản xuất điện sạch, thực hiện
cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành phải xây dựng các kịch bản để chủ
động có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện, không để thiếu điện trong
bất cứ hoàn cảnh nào; tiếp tục đa dạng hóa nguồn điện gồm thủy điện,
nhiệt điện, điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân; nghiên cứu
giá điện phù hợp, căn cứ tình hình, điều kiện đất nước, sát thị trường,
trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích Nhà
nước, người dân, doanh nghiệp”…/.
TTXVN