Nhà hát Duyệt Thị Đường được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn. Thời đó, đây là nơi biểu diễn nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cung đình cho nội cung. Hiện nhà hát đã quy tụ được hơn 170 nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên, người làm công tác nghiên cứu khoa học để tiếp tục sứ mệnh vốn có của mình.
Kể từ khi Nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của Thế giới đến nay, Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và tết Nguyên Đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự.
Nhiều tiết mục đã được Nhà hát Duyệt Thị Đường dàn dựng và biểu diễn như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc); Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng (múa) và nhiều trích đoạn tuồng cổ như Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Đô Huế Phùng Phu thì thành công lớn nhất của trung tâm thời gian qua là đưa Nhã nhạc Huế từ một loại hình âm nhạc chỉ phục vụ trong cung vua xưa, đến được rộng rãi đến với công chúng./.
(TTXVN)