Ngày 21/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao
Việt Nam đã về đến thủ đô Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới
Hungary từ ngày 15-17/9 và Vương quốc Đan Mạch, từ ngày 18-20/9. Chuyến thăm đã mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam-Hungary, đồng thời
nâng cấp quan hệ Việt Nam-Đan Mạch thành đối tác toàn diện vì lợi ích của nhân
dân hai nước và hai khu vực.
Nhân kết thúc chuyến thăm quan trọng, Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí:
- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được chuyến thăm trong chuyến thăm của
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hungary và Vương quốc Đan Mạch?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Với mục tiêu triển khai đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc
tế, thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng,
nhận lời mời của Tổng thống Hungary Ader Janos và Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe
II, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới
Hungary và Vương quốc Đan Mạch từ 15-20/9.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước sau gần 10 năm của Chủ tịch nước Việt Nam tới
Hungary, nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam và đang triển khai chính sách
hướng Đông, trong đó bạn coi quan hệ với Việt Nam là ưu tiên ở khu vực.
Với Đan Mạch, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong
lúc quan hệ đang trên đà phát triển mạnh. Hai nước đã thiết lập đối tác chiến
lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng, Môi trường và tăng trưởng
xanh. Đan Mạch là nước thuộc nhóm cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho
Việt Nam. Cả hai nước đều là đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Trong
bối cảnh đó, chuyến thăm hai nước của Chủ tịch nước đã thắt chặt hơn nữa quan hệ
song phương, thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và
đầu tư.
Qua các cuộc hội đàm, tiếp xúc với Lãnh đạo của hai nước, có thể cảm nhận rất rõ
tình cảm đặc biệt của nhân dân và lãnh đạo Hungary và Vương quốc Đan Mạch dành
cho Việt Nam. Các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt
Nam trong khu vực Đông Nam Á, coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên thúc đẩy hợp
tác.
Tại Hungary, hai bên đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm, đề ra những nguyên
tắc chính trị quan trọng làm cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác
hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong tình hình mới. Tại Đan Mạch, có thể
nói chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử khi hai nước ký Tuyên bố chung về thiết lập
quan hệ đối tác toàn diện. Đây là bước phát triển mới và là khuôn khổ quan trọng
định hướng quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm hai nước, một loạt văn kiện hợp tác quan trọng trên các lĩnh
vực như: an ninh, ưu đãi tín dụng, phong điện, nông nghiệp nuôi trồng thủy sản
bền vững, quản lý nước, giáo dục-đào tạo, văn hóa-thể thao… đã được ký kết tạo
cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các lĩnh vực này.
Một trong những kết quả nổi bật của chuyến thăm là việc thúc đẩy hợp tác về kinh
tế, thương mại, đầu tư. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tập trung trao đổi với
Lãnh đạo cấp cao của các nước bạn về các định hướng lớn nhằm tăng kim ngạch
thương mại và đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu sang nhau, tiếp tục mở rộng và
đẩy mạnh thực hiện các dự án FDI, ODA tại Việt Nam cũng như khả năng các doanh
nghiệp của Việt Nam đầu tư sang nước bạn.
Đan Mạch tái khẳng định cam kết thực hiện Chiến lược tăng trưởng thị trường
đối với Việt Nam, một trong 10 nền kinh tế tiềm năng trên thế giới mà Đan Mạch
lựa chọn để triển khai chiến lược này. Tại mỗi nước, Diễn đàn doanh nghiệp đã
diễn ra thành công với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội
và môi trường đầu tư, xuất nhập khẩu...
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp Hungary và Đan Mạch rất quan tâm và coi Việt Nam
là một địa chỉ đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Các doanh nghiệp của Việt Nam đã ký
được nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác Đan Mạch trong các lĩnh vực vật
liệu xây dựng, ứng dụng công nghệ xanh, tài chính-ngân hàng…
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng thảo luận với lãnh đạo hai nước
về việc thúc đẩy hợp tác một số lĩnh vực trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu của mỗi
bên. Hungary khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh
vực dược phẩm, hỗ trợ Việt Nam đào tạo chuyên gia về năng lượng nguyên tử.
Trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu - là lĩnh vực mà cả
Hungary và Đan Mạch đều có thế mạnh, Việt Nam và các nước bạn đã trao đổi kinh
nghiệm, tiềm năng hợp tác và đạt được những thỏa thuận quan trọng, như Thỏa
thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hungary về hợp tác trong lĩnh vực quản lý
nước; Đan Mạch cam kết tiếp tục dành ODA cho Việt Nam cho các lĩnh vực ứng phó
với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… trên cơ sở khuôn khổ
quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng
lượng và tăng trưởng xanh đã thiết lập và triển khai hiệu quả từ tháng 11/2011.
Ngoài ra, cả Hungary và Đan Mạch đều nhất trí tăng cường hợp tác với Việt Nam
tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, ASEM..., đồng
thời bày tỏ ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu,
hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác và đàm
phán Hiệp định tự do Thương mại Việt Nam-EU và sớm công nhận quy chế kinh tế
thị trường cho Việt Nam.
- Thưa Bộ trưởng, chuyến thăm cấp Nhà nước vừa qua của đoàn Việt Nam tới Hungary
và Đan Mạch đã mở ra triển vọng hợp tác như thế nào giữa Việt Nam với hai nước?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Là nước bạn truyền thống, Hungary cùng với Đan Mạch là
đối tác hợp tác phát triển quan trọng của Việt Nam ở Châu Âu. Chúng ta hoàn toàn
có cơ sở để lạc quan về triển vọng của quan hệ Việt Nam với Hungary và Đan Mạch.
Với một loạt các văn kiện hợp tác được ký kết, cùng quyết tâm chính trị và nỗ
lực tăng cường phát triển quan hệ, chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng quan
hệ Việt Nam với Hungary và Đan Mạch thời gian tới sẽ có bước phát triển mới, sâu
rộng và hiệu quả hơn.
Ngoài đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế-thương mại,
đầu tư, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với hai nước còn rất lớn vì tính bổ sung
cao giữa nền kinh tế hai bên, thế mạnh của Hungary và Đan Mạch và nhu cầu của
Việt Nam.
Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên tích cực của Việt Nam trong ASEAN và
của Hungary và Đan Mạch trong EU, quan hệ truyền thống với Hungary, quan hệ Đối
tác toàn diện với Đan Mạch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần tăng cường
quan hệ ASEAN-EU, đáp ứng nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân
dân Việt Nam và hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và
trên thế giới./.
(TTXVN)