Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 21/5/2019 7:41'(GMT+7)

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. (Ảnh: TTXVN)

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời là năm đầu thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và triển khai Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập và những yếu kém về trình độ lao động so với khu vực và thế giới, đồng thời chịu tác động của biến đổi khí hậu; thu ngân sách nhà nước từ các khu vực kinh tế không đạt dự toán Quốc hội quyết định, gây áp lực lên cân đối ngân sách, đặc biệt là ngân sách Trung ương giảm, trong khi nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội.

Vì vậy, nhiệm vụ tài chính ngân sách được Quốc hội quyết định cho năm 2017 có nhiều nội dung quan trọng đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2020 theo định hướng Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch; riêng chỉ tiêu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,81% (kế hoạch 6,7%) là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 và sự đóng góp khá đồng đều của tất cả các ngành, lĩnh vực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay giảm, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, xuất siêu 2,9 tỷ USD. Thị trường tài chính, chứng khoán khởi sắc. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm củng cố.

Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; trên cơ sở thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo quy định, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước của Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 34 ngày 08/5/2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 197/BC-CP ngày 13/5/2019 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Về thu cân đối ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.212.180 tỷ đồng, quyết toán 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất 61.713 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 17.272 tỷ đồng và thu từ dầu thô.

Về chi cân đối ngân sách nhà nước, Quốc hội đã có Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 về nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2017 với mục tiêu chủ yếu là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2017; trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi hội nghị, khảo sát nước ngoài, mua sắm trang thiết bị đắt tiền không cần thiết.

Theo đó, dự toán chi ngân sách nhà nước là 1.390.480 tỷ đồng, quyết toán 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,5% (giảm 35.446 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm (như các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu) nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán ngân sách được giao. Quyết toán chi ngân sách Trung ương là 564.531 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 790.503 tỷ đồng, bằng 99,2% so với dự toán.

CÒN NHIỀU HẠN CHẾ TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, qua tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 23.722 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, qua kiểm toán chuyên đề đối với một số hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công cho thấy còn một số hạn chế. Công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng còn bất cập, chưa thống nhất về cơ chế, chính sách cũng như sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế ven biển còn hạn chế, hầu hết chưa phát huy hết hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra; quy hoạch còn mang tính cục bộ, một số dự án không còn phù hợp với quy hoạch, nhiều dự án chậm tiến độ, do đó tỉ lệ lấp đầy của các khu kinh tế thấp (chỉ đạt 13%).

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay, sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao; đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng.

Nhiều dự án điều chỉnh quy mô trái thẩm quyền, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu; điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia không đúng thẩm quyền, chưa đảm bảo quy định. Kết quả kiểm toán 9 chương trình, 23 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, qua kiểm toán 8 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) trong năm 2018, hầu hết các dự án thực hiện chỉ định Nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn Trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội.

Kết quả kiểm toán 7 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) cũng cho thấy, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán.

Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 về niên độ ngân sách nhà nước năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2018 cũng thể hiện các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong đó kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2018 là 66.451 tỷ đồng, đạt 73,2% tổng số kiến nghị (năm 2015 đạt 75,6%, năm 2016 đạt 78,2%), trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 22.934 tỷ đồng, đạt 61,8%.

CƠ CẤU NGUỒN THU NGÂN SÁCH CHƯA THỰC SỰ BỀN VỮNG

Cũng trong phiên họp chiều 20/5, đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Theo đó, năm 2017, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực song còn khó khăn, thách thức cả từ môi trường quốc tế cũng như những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước 2017-2020, với mức điều chỉnh tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư tăng cao đã gây áp lực nhất định cho việc lập dự toán và điều hành ngân sách.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã quyết tâm cao, kịp thời ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm tăng trưởng kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương nên tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch; lạm phát duy trì ở mức thấp; tổng thu ngân sách vượt dự toán; chi ngân sách nhà nước cơ bản tuân thủ các quy định góp phần cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội; bội chi thấp hơn dự toán cả số tương đối và số tuyệt đối, nợ công trong giới hạn Quốc hội quyết định.

Năm 2017, thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán 6,7% (tương ứng 81.447 tỷ đồng). Tuy nhiên công tác lập, giao dự toán thu chưa sát thực tế, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán. Tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp, trốn, lậu thuế, nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để; còn có khoản thu không đúng đối tượng hoặc không nộp kịp thời vào ngân sách như thu 1.000 tỷ đồng của Quỹ viễn thông công ích vào ngân sách Nhà nước.

Về chi ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, công tác lập, giao dự toán chi ngân sách còn bất cập, vẫn còn tình trạng giao dự toán không đúng quy định. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng, chậm khắc phục. Nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi. Chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước và kết dư ngân sách địa phương lớn, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước và kết dư ngân sách địa phương lớn, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất