Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 13/12/2013 21:52'(GMT+7)

Thực hiện các giải pháp quan trọng phát triển kinh tế-xã hội năm 2014

* Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua Nghị quyết thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2014. Theo đó, Tuyên Quang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp; thực hiện có hiệu quả các dự án, quy hoạch về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; phát triển nhanh các ngành dịch vụ, tăng cường kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường; nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Ngoài ra, tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ; củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...

Tuyên Quang phấn đấu năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 15%; thu hút 950 nghìn lượt khách du lịch, đạt doanh thu 880 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14%; tạo việc làm mới cho 17.500 lao động; nâng độ che phủ rừng đạt trên 60%...

Năm 2013, mặc dù thời tiết không thuận lợi gây khó khăn cho sản xuất nông, lâm nghiệp, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang vẫn đạt kết quả tăng trưởng khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 13,5%; trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng trên 5%; thu ngân sách đạt hơn 1.336 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 18.244 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22,6% xuống còn 18,4%; gần 96% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia…

* HĐND tỉnh Nghệ An xác định trong năm 2014, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7 - 8%; thu ngân sách đạt 6.732 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 520 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 25 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%...

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp, như: Thu hút đầu tư để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, thu hút các dự án lớn mang tính đột phá thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển; thực hiện tốt công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ngành; giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề liên quan đến người dân như nước sạch, điện sinh hoạt, môi trường; tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ.


Tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, tăng cường quản lý, phát triển nguồn thu, xử lý nợ đọng; đổi mới hình thức, phương pháp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã... thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An phát triển khá ổn định, có mức tăng trưởng hợp lý; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23,57 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2013 còn 12,5%... Tuy nhiên, trong năm 2013, Nghệ An còn 5/25 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra và đạt thấp so với cùng kỳ.

* HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XVII đã tập trung thảo luận, xem xét đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2014 là: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12-13%; GDP bình quân đầu người đến đạt 26,8 triệu đồng; giá trị gia tăng các ngành: nông, lâm, thủy sản tăng 5- 6%; công nghiệp, xây dựng tăng 18-19%; dịch vụ tăng 13-14%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7.610 tỷ đồng (tăng 24,3% so năm 2013); giải quyết việc làm mới cho 15,5 ngàn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%...

Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư, huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác trong khu vực, trong nước và nước ngoài để khai thác tiểm năng lợi thế của tỉnh. Tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ cao; nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Năm 2013, Ninh Thuận thực hiện đạt và vượt 10/14 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 10,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,5 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.405 tỷ đồng, đạt 105,1% kế hoạch; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 6.120 tỷ đồng, tăng 13,1%.

* HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2014 với các chỉ tiêu về kinh tế đề ra đều tăng hơn hẳn so với năm 2013. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6% (năm 2013 đạt 5,37%), giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,6% (năm 2013 đạt 6,02%); tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 14%; dịch vụ tăng 15%; xuất khẩu (trừ dầu khí) đạt gần 2,2 tỉ USD (tăng gần 8,3% so với năm 2013), tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt hơn 34.200 tỉ đồng (tăng 1,17%)…

Để đạt được những mục tiêu trên, tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những yếu kém, bất cập còn tồn tại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Cụ thể, năm 2013, 3 chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh gồm doanh thu dịch vụ cảng, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách đều giảm so với năm 2012. Bên cạnh đó, các thế mạnh của tỉnh là du lịch, cảng biển phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài ra, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, có thêm tới 660 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đến nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ giải ngân được 8,2 tỷ đồng; vẫn còn xảy ra tình trạng trì trệ, tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân, trong khi tỉnh đã đầu tư nhiều cho công tác cải cách thủ tục hành chính.

Hiện tỉnh có tới 212 dự án chậm triển khai với hơn 11.300 ha đất nhưng việc xử lý, thu hồi các dự án này rất chậm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân trong vùng dự án. Tình trạng nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội đang trở thành một vấn nạn đối với người lao động với 2.200/3.900 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền nợ đọng là 132 tỉ đồng./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất