Chiều 5/2, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo về tình hình dịch bệnh, các đại biểu đã trao đổi về một số vấn đề liên quan đến công tác sản xuất thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán nCoV; tăng cường nhân lực y tế cho các cảng hàng không nội địa; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để đón bà con từ vùng dịch trở về theo đường hàng không; tổ chức cách ly những người thuộc diện nghi ngờ nhiễm bệnh để sàng lọc;…
Các ý kiến đều thống nhất rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực hiện thật tốt công tác cách ly đối với những người thuộc diện nghi ngờ. Do vậy, bên cạnh việc tổ chức cách ly tập trung thì cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chính quyền cơ sở và người dân hiểu và thực hiện thật tốt công tác tự cách ly tại cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong công tác chống dịch chưa bao giờ ngành Thông tin và Truyền thông vào cuộc chống dịch quyết liệt, đồng bộ như lần này.
Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho biết những ngày qua, riêng các cơ quan báo in đã đăng tải gần 40.000 tin bài để thông tin công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh, cũng như đưa thông tin chỉ đạo, cảnh báo, khuyến cáo của các cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng tới cộng đồng xã hội. So với báo in, các báo điện tử, nhất là các báo lớn thì cập nhật thông tin liên tục với số lượng tin bài lớn hơn nhiều; các nhà mạng cũng gửi khoảng 1 tỷ tin nhắn đến các thuê bao để cảnh báo về dịch bệnh. Hệ thống đường dây nóng của các cơ quan Trung ương, địa phương cũng tiếp nhận, giải đáp hơn 20.000 cuộc gọi miễn phí (trừ lúc đầu có chút trục trặc); hệ thống thông tin cơ sở (loa xã, phường) mỗi ngày 2 lần phát thông tin cảnh báo tới người dân.
Đáng chú ý, trong công tác thông tin lần này, các mạng xã hội đã chủ động vào cuộc với ý thức rất cao đối với cộng đồng. Các mạng xã hội trong nước như Zalo, Mocha,… đã chủ động nhắn tin cho các khách hàng của mình khuyến cáo phòng chống dịch bệnh. Các mạng xã hội nước ngoài như Facebook cũng đã gỡ bỏ 11 tài khoản mạo danh Bộ Y tế Việt Nam và có định hướng thông tin chính thống cho người dùng,… Nhìn chung, trên không gian mạng, tỷ lệ thông tin tiêu cực không lớn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng vào cuộc tích cực, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện loại bỏ những thông tin sai lệch, tin giả và lan tỏa mạnh mẽ những thông tin chính thống, những tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp đến với người sử dụng,…
Trong những lúc khó khăn, truyền thống nhân ái, chia ngọt, xẻ bùi, thương người như thể thương thân của dân tộc lại được phát huy. Mọi người, đồng lòng, đồng thuận, đoàn kết cùng hướng tới mục tiêu chung là ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng và các đại biểu thống nhất nhấn mạnh rằng, để thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới thì phải làm tốt công tác tổ chức cách ly những người trở về từ vùng dịch, những người tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh. Đặc biệt, cần phải thực hiện thật tốt công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng. Bởi thực hiện cách ly tại cộng đồng, mỗi một người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Giập dịch nhanh, dứt khoát vừa đảm bảo cơ hội chống dịch vừa đảm bảo ổn định xã hội, phát triển kinh tế.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện cách ly, các ý kiến cũng mong muốn mỗi người dân thuộc diện cách ly hiểu rõ vấn đề để nêu cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và xã hội. Bởi mỗi người thuộc diện nghi ngờ tự giác, tự nguyện vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian được cách ly không chỉ có ý nghĩa đối với sức khỏe của chính mình, của gia đình mình và những người thân mà còn là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp đối với xã hội.
Các đại biểu cũng cho rằng việc cộng đồng ủng hộ, động viên những người được cách ly thực hiện tốt cũng chính là tham gia chống dịch hiệu quả. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng. Nhiều điều tốt thành thói quen tốt, nhiều thói quen tốt xã hội văn minh lên, đẩy lùi cái xấu.
VIỆT NAM ĐÃ CHỮA KHỎI CHO 3/10 NGƯỜI NHIỄM BỆNH
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến 12h ngày 5/2, trên thế giới có 24.553 người mắc bệnh tại Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ; 493 người tử vong, 3.223 người nguy kịch; 907 người phục hồi xuất viện.
Tại Việt Nam, phát hiện thêm 1 ca nhiễm đưa tổng số lên 10 ca nhiễm; số ca nghi ngờ là 409, trong đó có 347 trường hợp đã loại trừ; số tiếp xúc gần đang được theo dõi là 349; đặc biệt chúng ta đã điều trị thành công 3/10 người ở các tỉnh: Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa.
Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Paster rà soát, chuẩn hóa quy trình xét nghiệm, chia sẻ các sinh phẩm xét nghiệm, tập huất xét nghiệm nCoV; chuẩn bị tổ chức tập huấn với 63 tỉnh về điều trị, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nhằm kiểm tra, đánh giá, năng lực sản xuất, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để tìm ra cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất để đảm bảo cung cấp cho công tác phòng, chống dịch; phân bổ test xét nghiệm chẩn đoán nCoV cho các đơn vị y tế địa phương…./.
Theo chinhphu.vn