Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 31/12/2011 13:46'(GMT+7)

Thực thi Quyền Sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp phải biết giữ “hồn mình”

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Có thể khẳng định, càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế thì vấn đề bảo vệ, thực thi quyền SHTT càng được tôn trọng và đề cao. Sự tôn trọng này không những nhằm tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mà còn giúp Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của khoa học-công nghệ trong nước, tạo môi trường thuận lợi hơn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia kinh tế: Tài sản vô hình này ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngày nay tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Trong hội nhập, khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một chiến lược phát triển phù hợp và hệ thống quản lý hữu hiệu về sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao lại tiết kiệm chi phí và kịp thời ngăn chặn việc sao chép nhãn mác, làm nhái sản phẩm…

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường các biện pháp chống lại tệ ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề bức thiết nhằm giúp các doanh nghiệp chân chính có thể vươn lên phát triển thông qua việc khai thác một cách có hiệu quả các tài sản trí tuệ của mình. Yêu cầu này càng trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) trong điều kiện còn hạn chế về mặt tài chính, vật lực nhưng lại có nhu cầu phát triển và được đảm bảo một môi trường phát triển lành mạnh, công bằng và “an toàn” hơn so với các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam nhận định: mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật sở hữu trí tuệ nhưng điểm yếu của Việt Nam chính là việc thực thi luật này. Chúng tôi biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thuyết phục, thu hút cộng đồng quốc tế chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nếu các bạn muốn chúng tôi chuyển giao công nghệ và đầu tư, các bạn cần thực hiện tốt quyền sở hữu trí tuệ. Khi đó, chúng tôi mới yên tâm vì các sản phẩm, công nghệ của chúng tôi được bảo vệ.

Doanh nghiệp cần biết rằng thủ tục đăng ký nhãn hiệu đơn giản, nhưng thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp phức tạp hơn và phức tạp nhất là đăng ký sáng chế vì nó liên quan đến cấu tạo sản phẩm, phương pháp sản xuất. Nói chung, đối với nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm, doanh nghiệp có thể thực hiện tốt khi liên hệ với Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, nơi có Phòng Đăng ký sẵn sàng cung cấp mẫu biểu, tờ khai. Doanh nghiệp chỉ cần nộp 1 lần đơn, lệ phí đăng ký nhãn hiệu không cao chỉ chưa tới 1 triệu đồng cho 1 nhóm sản phẩm.

Thủ tục đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ được đơn giản, ví dụ trước đây quy định đăng ký 1 sáng chế mất 18 tháng, nay còn 12 tháng; 1 kiểu dáng công nghiệp 12 tháng, nay còn khoảng 9 tháng. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ cũng từ 12 tháng còn 9 tháng. Đây là một cố gắng nhưng có thể chưa thật thoả mãn người đăng ký nhưng vì Việt Nam còn là thành viên của một loạt thoả ước quốc tế nên việc cấp nhanh hơn rất khó khăn. Sở dĩ việc đăng ký mất thời gian lâu vì ta là thành viên của Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên phải chờ 6 tháng để doanh nghiệp các nước khác nộp đơn xin đăng ký vào Việt Nam.

Không chỉ đảm bảo chắc phần thắng trên sân nhà, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đăng ký ở những nước khác để bảo hộ cho sản phẩm của mình. Với các nước mà Việt Nam là thành viên của Thoả ước Madrid thì các doanh nghiệp chỉ cần nộp qua Cục Sở hữu Trí tuệ. Đăng ký theo Thoả ước Madrid thì chỉ với 1.000 USD, doanh nghiệp đã có thể đăng ký bảo hộ cho sản phẩm của mình tại 10 nước có tham gia thỏa ước này. Thỏa ước này không bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, ASEAN, Anh nên khi đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại những nước này, doanh nghiệp phải đăng ký trực tiếp và thường thì sử dụng các đại diện sở hữu công nghiệp để làm thay. Ví dụ, doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ thì phải có đại diện sở hữu công nghiệp, tốn tiền lệ phí quốc gia khoảng vài trăm USD cho một nhóm sản phẩm cộng thêm lệ phí dịch vụ của các hãng đại diện khoảng trên dưới 1.000 USD cho 1 nhóm sản phẩm. Rõ ràng với cách này, doanh nghiệp sẽ phải tốn phí hơn qua Thoả ước Madrid nhưng do nhu cầu bảo hộ nhãn hiệu, hàng hoá thì doanh nghiệp vẫn phải làm. Tình hình đăng ký cũng khá hơn, năm vừa rồi, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký qua Thỏa ước Madrid tăng hơn 50%.

Bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình không chỉ bằng việc đăng ký bảo hộ, dán tem chống hàng giả, quản lý tốt hệ thống phân phối, các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi. Ở Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền lợi cho mình, các công ty đều có những bộ phận riêng hoặc thuê các công ty luật, công ty thám tử tư để bảo vệ bản quyền cho mình. Trong trường hợp bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các công ty đều có hình thức phối hợp về phương tiện, hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng thực thi. Chiêu thức này còn phụ thuộc vào khả năng tài chính, quy mô của doanh nghiệp nhưng cũng đã có những công ty ở Việt Nam áp dụng cách này để bảo vệ những đứa con tinh thần của mình. Ngoài ra, các tổ chức hiệp hội như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Hội Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam là những tổ chức phi chính phủ đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ.

Trong thực tế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thường được thông qua các quy định về xử lý hành chính hơn là kiện cáo trước tòa do cách này dễ thực hiện, nhanh chóng về thủ tục và ít tốn kém dù nó có một nhược điểm là tính răn đe và hiệu quả chưa cao. Thêm nữa, doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý “né tránh”, ngại kiện cáo trong khi thủ tục tố tụng về sở hữu trí tuệ còn thiếu càng làm cho số vụ tranh chấp giải quyết qua con đường tòa án ít đi. Cho nên, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần có thói quen bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình qua con đường tố tụng bởi đây là cách giải quyết triệt để.

Một thực tế đặt ra là, mặc dù các DNN&V đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, thì khu vực này lại có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với một lý do khá đơn giản là các DNN&V vẫn chưa hoàn toàn nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề. “Cần phải khẳng định rằng, trong các công cụ của quyền sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ nhãn hiệu là một hình thức sở hữu trí tuệ được các DNN&V sử dụng nhiều nhất để bảo vệ sản phẩm, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có thể phát triển một cách ổn định và an toàn. Mặc dù vậy, rất nhiều DNN&V tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa nhận thức được lợi ích mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại trong việc bảo vệ các sản phẩm, sáng chế và tài sản liên quan đến sở hữu trí tuệ. Đây là một điều hết sức đáng lo ngại mà chính phủ các nước này cần quan tâm và có biện pháp khắc phục” - ông Alain Cany bình luận.

Cũng theo ông Cany, các DNN&V là động lực chính trong phát triển nền công nghiệp, thương mại và kinh tế của một quốc gia. Đặc biệt, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, khu vực này lại càng có vai trò hết sức quan trọng trong việc tham gia vào sự phát triển của nền kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư. Sự phát triển năng động của khu vực này sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu của quốc gia một cách có hiệu quả. Chính vì vậy, việc tăng cường nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm giúp các DNN&V có điều kiện phát triển cần được coi là một chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Lý giải sự thiếu hiệu quả về bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các DNN&V thời gian qua, nguyên nhân chính được đưa ra là ở khâu thực thi pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp nói chung cũng như trong khu vực DNN&V nói riêng. Trên thực tế, những năm gần đây, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được xây dựng và hoàn thiện một cách khá cơ bản và đầy đủ. Đặc biệt, với việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ vừa qua, đã bước đầu có một khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ điều chỉnh lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và áp dụng các quy định trong thực tiễn chưa đạt hiệu quả như mong muốn bởi nhận thức của nhiều doanh nghiệp đối với vấn đề này còn rất hạn chế.

Do đó, song song với việc đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền SHTT, cần phải nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNN&V, để họ có công nghệ tốt hơn, sản xuất ra hàng hoá chất lượng tốt, có giá cạnh tranh. Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra lời khuyên cho các DNN&V, do không có nhiều tiềm lực về tài chính nên trước khi nghiên cứu, phát triển một loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó, các doanh nghiệp cần tra cứu thông tin để tìm hiểu tình hình trên thế giới, tránh lặp lại những nghiên cứu, sáng chế đã có./.

Quỳnh Chi - Bộ Tài Chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất