Việt Nam là một trong 8 nước khách mời
đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần thứ 14 diễn ra
từ ngày 28-29/6 tại thành phố Osaka. Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tham gia
G20 với tư cách là Chủ tịch ASEAN.
Dưới triều đại Reiwa, bắt đầu từ ngày 1/5/2019, đây là hội nghị quốc
tế lớn đầu tiên mà Nhật Bản đăng cai tổ chức với sự tham gia của các
nguyên thủ và lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đây cũng là
lần đầu tiên Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20.
THAM GIA GIẢI QUYẾT CÁC THÁCH THỨC TOÀN CẦU
Hội nghị G20 là diễn đàn cấp cao lãnh
đạo cơ quan hành pháp của 19 quốc gia phát triển, lãnh đạo EU, một số
chủ thể tài chính quốc tế như IMF, WB... và lãnh đạo một số nền kinh tế
đang trỗi dậy. Trong khuôn khổ của hội nghị còn có các hội nghị của các
bộ trưởng liên quan. G20 có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế
toàn cầu. Các nền kinh tế G20 chiếm 2/3 dân số toàn cầu, nằm trên một
nửa diện tích mặt đất của địa cầu, sản xuất ra 90% tổng sản phẩm toàn
thế giới và 80% giao dịch thương mại quốc tế liên quan tới các nền kinh
tế này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017,
Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị
cũng trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được
ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong Năm
APEC 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị
G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển
giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập Diễn
đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện khởi
nghiệp sáng tạo.
Nhiều sáng kiến đóng góp của Việt Nam đã
được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong
xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững,
nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số…
Bên cạnh đó, Việt Nam phối hợp với thúc
đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong nghị sự
kinh tế toàn cầu như thương mại-đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu,
cải cách quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu…
Nội dung nghị sự G20 những năm gần đây
mở rộng nhiều lĩnh vực (tài chính, thương mại, đầu tư, lao động, xã hội,
môi trường, công nghệ…), nhưng việc đạt đồng thuận trong một số vấn đề
kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhất là cam kết tự do hóa thương mại,
chống bảo hộ, chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra
trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro bất
trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột thương mại
Mỹ-Trung căng thẳng trở lại.
Hợp tác và liên kết kinh tế tuy vẫn được
thúc đẩy nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn. Cách
mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt
ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý.
Các nội dung thảo luận chính tại Hội
nghị G20 dự kiến là kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng
tạo và kinh tế số, môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, phát
triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ
Hồng Nam, việc Nhật Bản mời Việt Nam tham dự một hội nghị quan trọng như
vậy với tư cách khách mời đặc biệt xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ
nhất, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản rất đặc biệt. Chúng ta là một người
bạn rất tin cậy đối với Nhật Bản. Thứ hai, chính vị thế của đất nước ta
cũng đang lên. Hội nghị lớn như vậy và chúng ta được mời với tư cách
khách mời đặc biệt thể hiện các nước thành viên G20 cũng rất coi trọng
Việt Nam. Ba vấn đề then chốt mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi trọng
và đưa ra thảo luận ở hội nghị lần này gồm: Cải tổ Tổ chức Thương mại
Thế giới (WTO), kinh tế số và môi trường, đặc biệt là môi trường trên
biển. Cả 3 chủ đề đó đều liên quan mật thiết tới lợi ích của chúng ta và
hiện nay, chúng ta đang tích cực tham gia giải quyết 3 vấn đề đó.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này khẳng định chủ trương đường lối
đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, chủ động tham gia và phát
huy vai trò tại các cơ chế đa phương tạo cơ sở, góp phần tiếp tục đề cao
vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa
phương, quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, đối tác tin cậy
và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
CHƯA BAO GIỜ GIAO LƯU NHÂN DÂN SÔI NỔI NHƯ HIỆN NAY
Nhân dịp này, Thủ tướng sẽ có thăm làm việc song phương với Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt
Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Năm 2009, Nhật Bản là nước G7
đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam.
Năm 2011, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên
công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tháng 5/2016, Nhật
Bản là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở
rộng.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng
hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp ODA lớn nhất, đối tác thứ hai
về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đối tác thứ ba về du lịch, đối tác thứ
tư về thương mại.
Tổng kim ngạch thương mại 5 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 15 tỷ USD.
Lũy kế đến tháng 5 vừa qua, Nhật Bản có
4.149 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký
hơn 57 tỷ USD, đứng thứ hai trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ
đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2018, Nhật Bản có 429 dự án cấp mới,
201 số lượt dự án tăng vốn, 585 số lượt góp vốn mua cổ phần, tổng vốn
đăng ký hơn 8,5 tỷ USD, năm thứ hai liên tiếp đứng thứ nhất về FDI.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, chưa bao giờ
nhân dân 2 nước lại có mối giao lưu sôi nổi như hiện nay. Hàng triệu du
khách Nhật Bản thăm Việt Nam, hàng trăm nghìn người Việt Nam thăm Nhật
Bản. Trước đây, chưa bao giờ có như vậy. Hiện tại, 330.000 người Việt
Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản.
Nhật Bản đang hợp tác xây dựng Trường
Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt
Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt
Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hợp tác địa phương 2 nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Hơn 40 cặp địa phương của Nhật Bản-Việt Nam đã ký văn bản hợp tác.
Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác
chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, nhấn mạnh những cơ hội hợp tác
giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển
ngày càng toàn diện và thực chất hơn.
An Bình (VGP)