Chủ Nhật, 29/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 29/5/2010 22:17'(GMT+7)

Thương mại điện tử: Công cụ xuất khẩu của Doanh nghiệp

Đó là lời phát biểu của ông Brian Wong, Giám đốc cao cấp bộ phận kinh doanh toàn cầu của Alibaba.com tại hội thảo “Cơ hội xuất khẩu đến thị trường APEC và Châu Phi qua Thương mại điện tử”, đã diễn ra ngày 28/5 tại Hà Nội, do tập đoàn Alibaba.com phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công ty OSB là đại lý ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam tổ chức.

Chương trình này là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Đề án Quốc gia 191: “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010” do Chính phủ giao cho VCCI chủ trì thực hiện.

Sau khi triển khai, chương trình đã chọn 100 doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng dịch vụ thành viên cao cấp Gold Supplier trên Alibaba.com để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác qua đó tăng cường xuất khẩu đến thị trường APEC và châu Phi.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam có trên 94% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 100% doanh nghiệp này đều ứng dụng Internet, đây thực sự là lực lượng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh khi Việt Nam bước vào hội nhập WTO.

Tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế về cách tổ chức quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại điện tử. Trong đó việc lựa chọn và đầu tư vào thiết bị và giải pháp công nghệ thông tin nhằm thu được lợi nhuận tối đa, đầu tư tối thiểu, chọn giải pháp phù hợp theo tiến bộ công nghệ lại chưa được thu hút đúng mức.

Ông Brian Wong, cho rằng: “Việt Nam có khả năng xuất khẩu rất nhiều các mặt hàng có chất lượng tốt và Alibaba.com luôn sẵn lòng hợp tác với các đối tác như công ty OSB và VCCI để đưa TMĐT tới gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, với mục đích giúp các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới khách hàng và các nhà cung ứng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường thương mại toàn cầu”.

Tại đây nhiều ý kiến của doanh nghiệp đưa ra xung quanh việc tìm hiểu thị trường, hay các kinh nghiệm trên Alibaba như: làm thế nào để kiểm chứng được sự tin cậy của nguồn hàng, khách hàng? Hay việc lừa đảo thương mại điện tử… đến việc bị mất cắp logo của các doanh nghiệp cũng được đưa ra thảo luận và giải đáp.

Từ những băn khoăn này ông Brian Wong khẳng định, sẽ lập diễn đàn bằng tiếng Việt trên Alibaba.com để các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc xuất khẩu để các đối tác tin cậy hơn, giống như các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng đã có diễn đàn này.

Ông Nguyễn Gia Hùng,Trưởng phòng XNK của Công ty Secoin chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi tham gia tại Alibaba: Là công ty sản xuất vật liệu xây dựng không nung là các sản phẩm gạch, ngói làm từ xi măng, Secoin đã tham gia vào Alibaba được 3 năm, khi đó thương mại điện tử chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam. Thời gian đầu việc tham gia vào Alibaba chỉ như một hình thức quảng cáo giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài có thể tìm được thông tin. Secoin cũng từng “nếm” nhiều thử thách mới có được hợp đồng như thế nào.

"Nhưng từ khi trở thành thành viên của Gold Supplier là thành viên cua Alibaba chúng tôi lại nhận được rất nhiều hỏi hàng từ khắp nơi (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và cả các doanh nghiệp Châu Âu). Hiện nay, 20% tổng doanh thu của chúng tôi có được là qua Alibaba. Theo tôi, lý do chính cho kết quả này là việc trở thành thành viên Gold Supplier và được" - ông Hùng nói.

Ông David Tan, Quản lý cấp cao bộ phận kinh doanh toàn cầu của Alibaba.com cho biết: Việt Nam có nhiều cơ hội khai thác thị trường APEC và Châu Phi trên Alibaba.com. Đặc biệt ông chú trọng tới những phân tích về cơ sở dữ liệu về người mua dồi dào trên toàn thế giới mà các doanh nghiệp có thể tìm thấy trên Alibaba.com, những số lượng hỏi hàng ấn tượng tới các doanh nghiệp Việt Nam theo ngành hàng và theo từng khu vực đã thể hiện điều đó.

Ảnh minh họa

Biểu đồ thể hiện tốc độ phát triển của Việt Nam tại Alibaba.com trong những năm gần đây.

Tính đến tháng 3/2010, số thành viên toàn cầu hoạt động trên Alibaba.com đã lên đến 12.5 triệu, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số lượng thành viên Việt Nam đăng ký mới trên Alibaba.com trong 1 năm qua đã tăng 38%. Alibaba.com cũng tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua : cung cấp gói dịch vụ Gold Supplier, cùng OSB thành lập văn phòng tại TP HCM, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ Châu Phi, Bộ Công Thương chia sẻ: Thị trường Trung Đông, Châu Phi, rất tiềm năng, các doanh nghiệp Việt Nam được cung cấp các thông tin hữu ích về các thông tin kinh tế, tiềm năng thị trường, quan hệ thương mại với Việt Nam, hợp tác với Việt Nam... Tuy nhiên khi xuất khẩu sang các thị trường này cần lưu ý quy định nhập khẩu như: thuế nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, chứng từ nhập khẩu, các tiêu chuẩn, chứng nhận và phương thức thanh toán…

Như vậy, với mục tiêu quan trọng trong chương trình Quốc gia năm 2010: “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đến thị trường APEC và Châu Phi qua Thương mại điện tử”, cùng với trang TMĐT B2B Alibaba.com, hy vọng đây sẽ là sự hỗ trợ kịp thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng TMĐT, ông Hùng nhấn mạnh.

Bảo Hải - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất