Thứ Năm, 21/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 25/10/2024 12:56'(GMT+7)

Thương mại điện tử không được kiểm soát tốt sẽ gây mất công bằng, thất thu thuế

Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có chính sách để tiếp sức cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện, đủ năng lực, tài chính và những điều kiện cần thiết để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường thương mại điện tử.

PV: Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều sàn thương mại điện tử. Hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử bán giá rẻ hơn. Trong khi đó, việc quản lý cấp phép cho các doanh nghiệp này chưa rõ ràng. Đại biểu nhìn nhận về thực trạng này như thế nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi nghĩ rằng, thương mại điện tử là một xu thế của thời đại. Tuy nhiên, nếu chúng ta thiếu kiểm tra, thiếu những quy định đối với sàn thương mại điện tử sẽ gây thiệt hại rất nặng nề đối với kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, thương mại điện tử nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây mất công bằng trong kinh doanh và thất thu thuế.

Giá cả hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein rẻ chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế.

Khi các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tôi thấy đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động…

Điều này đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị trường, tôi cho rằng, Quốc hội sẽ cần thảo luận kỹ các vấn đề về thương mại điện tử trong kỳ họp, trong các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội. Chúng ta khuyến khích thương mại điện tử, nhưng cần phải kiểm soát để chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch đối với sản xuất nội địa.

Người dân cũng rất thích mua hàng qua sàn thương mại điện tử, nhưng vì lợi ích quốc gia cần tuyên truyền, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong điều kiện đất nước đang rất cần huy động các nguồn lực để bước vào kỷ nguyên mới.

Tôi cho rằng, người dân sẽ rất hài lòng khi mua được hàng hóa giá thấp, cạnh tranh, nhưng nếu những mặt hàng đó không đảm bảo sự công bằng sẽ “giết chết” các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa sẽ gây ra thiếu việc làm cho người lao động. Cho nên, Chính phủ cần phải cảnh báo mạnh hơn và tăng cường vai trò quản lý Nhà nước; đồng thời, phải có giải pháp, nhất là vấn đề về đăng ký kinh doanh, công khai thuế và thu thuế của các mặt hàng thương mại điện tử.

PV: Về quy định, tất cả các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam đều phải có đăng ký kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn một số sàn thương mại hoạt động tại Việt Nam nhưng đăng ký chưa rõ ràng. Mặc dù, chúng ta có một loạt các quy định như: Luật Giao dịch điện tử hoặc những luật liên quan đến quản lý thuế…, nhưng vẫn không thể quản lý được việc cấp phép với một số sàn thương mại điện tử. Đại biểu có nhận định về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chúng ta phải nhìn nhận rằng, khoa học công nghệ ngày nay phát triển rất nhanh. Đây là một tiến bộ mà chúng ta cần phải phải thích ứng với tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, việc để các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh hoạt động là cơ quan quản lý “có lỗi”, do đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, của các nhà sản xuất trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng.

Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước phải rà lại chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo thực thi, đảm bảo được quyền lợi, mà ở đây là sự công bằng giữa các nhà đầu tư, giữa các nhà sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải đảm bảo công bằng như vậy mới có được môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi.

PV: Theo đại biểu, những quy định hiện nay, liệu có còn “lỗ hổng” trong quản lý thương mại điện tử?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi nghĩ rằng, ở đây chỉ còn vấn đề nữa là thuế; phải bổ sung, rà soát thêm giá trị của mặt hàng. Theo đó, giá trị tối thiểu của mặt hàng để thu thuế phải thấp hơn nữa.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát nếu thấy trong luật vẫn chưa đầy đủ, chặt chẽ cần kiến nghị ngay với Quốc hội để bổ sung.

PV: Theo đại biểu, những vấn đề đặt ra để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, vậy giải pháp nào để ngăn chặn bớt làn sóng ồ ạt hàng hóa nước ngoài được bán qua các trang thương mại điện tử vào Việt Nam?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi đã nói, đây là vấn đề rất khó, vấn đề khó không phải chỉ có Việt Nam mà còn nhiều quốc gia cũng gặp những thách thức này. Chúng ta cần phải hành động và phải nhìn thấy rõ đây là một tác hại rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam, qua đó có cách ứng phó đúng mực với tình hình này.

Việt Nam cần đặt ra những rào rào cản thương mại, thuế, rào cản chất lượng với hàng hóa vào Việt Nam, nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho những nhà sản xuất kinh doanh trong nước. Những điều đó không có nghĩa ngăn cấm thương mại điện tử, mà là đảm bảo sự minh bạch, công bằng.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Về phía các doanh nghiệp trong nước, cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường; đồng thời, phải có sự thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Cùng với đó, muốn kinh tế Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Chính phủ cần có chính sách để tiếp sức cho doanh nghiệp; đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện, năng lực, tài chính, những điều kiện cần thiết để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Có như vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới mới thuận lợi, không vướng vào những rào cản này.

Hiện nay, biến đổi khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt và cực đoan, những tiêu chí xanh trên thế giới luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu, với những điều kiện rất khắt khe, nếu doanh nghiệp Việt Nam chậm chuyển đổi sẽ phải trả giá cho lượng hàng xuất khẩu trong thời gian tới./.

PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu!./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất