Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phải đứng trên lợi ích của người
nông dân, bảo đảm bình đẳng giữa người nông dân với doanh nghiệp.
Luật Đất đai 2013 đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp
cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp; mở rộng hạn mức
nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng
yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo
hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp,
nông thôn.
Thời gian qua, nhiều hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất được
triển khai đa dạng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực như dồn
điền đổi thửa, chuyển nhượng – cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng
quyền sử dụng đất.
Đến nay, trên thực tế đã có nhiều mô hình sử dụng đất (trang trại,
hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) và phương thức thực hiện tích tụ,
tập trung đất đai có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản
xuất nông nghiệp của Việt Nam, tiêu biểu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái
Bình, Hà Nam, Nghệ An, An Giang và nhiều địa phương trên cả nước.
Thảo luận tại hội nghị "Giải pháp tích tụ tập trung đất đai phục vụ
phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông
nghiệp" do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức ngày 14/4, lãnh đạo các Bộ,
ngành, địa phương, doanh nghiệp đều cho rằng, bên cạnh những kết quả
quan trọng đã đạt được, chính sách quản lý đất đai và thực tế sử dụng
đất vẫn còn nhiều điểm tồn tại cần tập trung khắc phục.
Quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất trồng cây hằng năm, đất nuôi
trồng thủy sản đối với hộ gia đình, cá nhân (thông qua nhận chuyển
nhượng, nhận tặng cho, xử lý nợ) chưa khuyến khích tích tụ, tập trung
đất đai để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn; có
trường hợp còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn
do quy hoạch chưa rõ, kế hoạch sử dụng đất ở nhiều nơi còn chưa phù hợp.
Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thu hồi đất của các hộ gia đình
không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất
để tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu
sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển ngành nông nghiệp
có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao hơn, góp phần
phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người nông dân.
|
Theo PGS.TS. Trần Thị Minh Châu, việc tích
tụ, tập trung đất đai quy mô lớn phải bắt nguồn từ hiệu quả sản xuất. (Ảnh: VGP)
|
Đặt lợi ích của người dân lên trên hết
Ông Nguyễn Đình Khang, Bí Thư tỉnh ủy Hà Nam, một địa phương đi đầu
trong tích tụ ruộng đất và đã có những hiệu quả nhất định cho biết, tích
tụ ruộng đất là cần thiết. Kinh nghiệm trong quá trình tích tụ ruộng
đất là phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tạo việc làm và thu
nhập ổn định cho người dân.
“Lắng nghe nguyện vọng của người dân, tạo điều kiện cho các hộ có nhu
cầu thực sự về đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp, tạo quỹ đất
nông nghiệp, sẵn sàng chuyển các hộ sang vị trí khác để sản xuất thông
qua quỹ công ích hoặc chuyển đổi cho các hộ có nhu cầu sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao...”, ông Khang nói.
Chia sẻ với những ý kiến này, PGS.TS Trần Thị Minh Châu từ Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc tích tụ, tập trung đất đai
quy mô lớn phải bắt nguồn từ hiệu quả sản xuất, không phải cứ có đất
đai quy mô lớn là hiệu quả.
“Tích tụ, tập trung ruộng đất chỉ là tiền đề, không phải cái quyết
định hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Nếu chỉ đưa các mô hình sản xuất
lớn nhưng không phù hợp thì không có hiệu quả”, bà Châu nói.
“Khi đưa ra giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phải đứng trên lợi
ích của người nông dân, phải đảm bảo đời sống cho người nông dân; phải
có chế định hợp đồng, bình đẳng giữa người nông dân với doanh nghiệp.
Các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất cũng cần rất đa dạng”, PGS
Trần Thị Minh Châu đề nghị.
Ông Bùi Xuân Sơn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính cho rằng,
khi tích tụ, tập trung đất đai phải sử dụng một cách có hiệu quả nhất,
phù hợp từng giai đoạn, từng địa phương.
“Tích tụ đất đai phải trên cơ sở thực sự có hiệu quả, có điều kiện cụ
thể như phải có định hướng, có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường;
từ định hướng này phải có quy hoạch, kế hoạch cụ thể”, ông Sơn nói.
Cũng xuất phát từ quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc tích tụ, tập trung
ruộng đất nhất định phải thực hiện theo quy hoạch, không vội vàng triển
khai một cách tràn lan, phong trào.
Đại diện Tập đoàn Vingroup, đơn vị đang triển khai nhiều dự án nông
nghiệp công nghệ cao tại một số địa phương trên cả nước, ông Trần Kiên
Cường cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng
trong việc kết nối doanh nghiệp với người dân, cũng như tham gia giám
sát việc thực hiện những thoả thuận, cam kết trong quá trình tích tụ,
tập trung đất đai.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ tích tụ, tập
trung ruộng đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn
với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng, tái cấu trúc nền
kinh tế nói chung. Việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải tuyệt đối
tránh hình thức, phong trào. “Nếu tích tụ, tập trung ruộng đất một cách
hình thức, phong trào, không căn cứ vào nhu cầu của thị trường, năng lực
của chủ thể thì chắc chắn sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng nói.
Tích tụ tập trung đất đai phải bảo đảm theo nhiều hình thức phù hợp
với yêu cầu tổ chức sản xuất, lấy doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác, chủ
trang trại làm động lực. Tuy nhiên, người dân, hộ gia đình, cá nhân là
thành viên quyết định thành công của quá trình tính tụ, tập trung đất
đai, do đó phải được tham gia một cách bình đẳng trong tập trung, tích
tụ đất đai./.
(Theo: VGP)