Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 25/8/2010 22:0'(GMT+7)

Tiềm năng hợp tác Việt Nam - châu Phi

Phát triển nông nghiệp

An ninh lương thực và xóa đói, giảm nghèo là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước ở châu Á và châu Phi. Ðại biểu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn tham gia các chương trình bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với tất cả các nước, nhất là những nước châu Phi. Việt Nam và châu Phi có tiềm năng về hợp tác nông nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất lúa gạo, phát triển cao-su, cà-phê, hạt điều, cây ăn quả, rau, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác CH Tô-gô E. Ô-hin nêu rõ, chính phủ các nước châu Phi luôn coi trọng chính sách phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo và khuyến khích phát triển kinh tế bền vững. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm với các nước, trong đó có Việt Nam, các nước châu Phi sẽ thực hiện thành công chính sách nông nghiệp.

Các đại biểu châu Phi và các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp và công tác xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua. Thứ trưởng Nông nghiệp Mô-dăm-bích A. Lim-bau cho biết, nông dân Mô-dăm-bích đối mặt nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, khó khăn tiếp cận các nguồn vốn, thị trường và công nghệ sản xuất. Những thành tựu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong chống nghèo đói sẽ giúp Mô-dăm-bích học hỏi nhiều kinh nghiệm. Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam A. Hen-ry nhận định, với sự phát triển nhanh và liên tục trong hơn 20 năm qua, Việt Nam có thể chia sẻ các kinh nghiệm cải cách. Hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi sẽ hỗ trợ sự phát triển cả hai bên. Sự mở cửa thị trường của cả Việt Nam và châu Phi sẽ tạo ra cơ hội phát triển mới.

Phát triển nguồn nhân lực

Việt Nam và châu Phi đều có tiềm năng về nguồn nhân lực và đây là lĩnh vực hợp tác khả thi cần được các bên quan tâm đẩy mạnh. Hiện Việt Nam có hơn 3.500 lao động làm việc tại châu Phi. Hai bên tích cực đẩy mạnh trao đổi chuyên gia, kỹ thuật viên, lao động kỹ thuật và sự hợp tác này đã mang lại kết quả khả quan, góp phần nâng cao năng lực và trình độ nguồn nhân lực của mỗi nước. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Trần Quang Quý, Việt Nam đã cử hơn 2.000 chuyên gia đi giảng dạy và ký nhiều văn bản hợp tác giáo dục với các nước châu Phi như An-giê-ri, Ăng-gô-la, Công-gô, Mô-dăm-bích, Ma-đa-ga-xca... Việt Nam mong muốn các bên cùng thảo luận, đề xuất các sáng kiến để tăng cường hợp tác, phát triển đào tạo nguồn nhân lực và trao đổi chuyên gia.

Trong tham luận "Kinh nghiệm và triển vọng hợp tác chuyên gia y tế với các nước châu Phi", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu bật những kết quả đáng ghi nhận trong hợp tác chuyên gia y tế giữa Việt Nam và châu Phi với gần mười nghìn lượt chuyên gia y tế sang công tác tại châu Phi. Việt Nam đề xuất hỗ trợ đào tạo cán bộ và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác nhiều bên với các nước châu Phi thông qua các tổ chức quốc tế và các nước phát triển. Ðại sứ An-giê-ri tại Việt Nam S. Chi-khi ca ngợi trình độ chuyên môn và tinh thần tận tụy của các chuyên gia Việt Nam; khẳng định những đóng góp của người lao động Việt Nam trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở của nước này và cho rằng Hội thảo lần này thổi luồng gió mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao phụ trách hợp tác quốc tế Ăng-gô-la E. Gam-bô-a khẳng định, Việt Nam là đối tác lớn trong khu vực châu Á của Ăng-gô-la trong việc tham gia các dự án tái thiết và phát triển kinh tế của nước này.

Triển vọng thúc đẩy hợp tác thương mại, năng lượng, đầu tư

Phó Tổng thư ký LHQ, Cố vấn đặc biệt về châu Phi Ch.X. Ði-a-ra đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi trong việc góp phần thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của LHQ đối với các mô hình hợp tác ba, bốn bên giữa Việt Nam với các nước châu Phi. Kể từ sau hội thảo lần thứ nhất năm 2003, sau khi Chính phủ Việt Nam đề ra chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004-2010, giúp đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai bên tăng từ 372 triệu USD năm 2003 lên 2,07 tỷ USD năm 2009. Quan hệ thương mại, công nghiệp, năng lượng và đầu tư được mở rộng sang lĩnh vực hợp tác đầu tư, sản xuất công nghiệp, các dự án thăm dò dầu khí... Tuy nhiên, các ý kiến nhất trí cho rằng cần phát triển công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo các nguồn tin phong phú, tin cậy về thị trường, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tiềm năng to lớn của nhau.

Ðề cập triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi, Trưởng đoàn Xu-đăng cho rằng, các nước châu Phi, với nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn và Việt Nam, với thành công đã đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, dầu khí và công nghiệp, hai bên có thể cùng nhau xây dựng sự hợp tác lý tưởng vì lợi ích của cả hai bên. Chuyên gia đến từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) đánh giá cao triển vọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Phi. Khối Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) có thể nhập khẩu từ Việt Nam với giá trị lên tới một tỷ USD các mặt hàng như nông sản, gia vị, dệt may, da giày, thiết bị điện tử, máy nông nghiệp và hai tỷ USD các mặt hàng gạo, giày dép, cà-phê, xe đạp. Với giá cạnh tranh và chất lượng tốt, các sản phẩm của Việt Nam có nhiều tiềm năng thâm nhập thị trường châu Phi. Vì vậy, cần khuyến khích quảng bá, mở các trung tâm thương mại của Việt Nam ở các nước trong khu vực này. Hỗ trợ thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư phát triển, tài chính, ngân hàng được đánh giá là lĩnh vực có nhiều triển vọng hợp tác. Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, các đại biểu Việt Nam cho rằng cần tiếp tục có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các thị trường châu Phi, tập trung ưu tiên ở các lĩnh vực năng lượng; khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là thăm dò khai thác khoáng sản; trồng cây công nghiệp; sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm bởi đây là các lĩnh vực châu Phi có thế mạnh./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất