(TG)-Các cấp ủy đảng đã nhận thức được vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, qua đó đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn đội ngũ, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền miệng góp phần đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Đặc biệt, hiện nay đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, công tác tuyên truyền miệng góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương, phân tích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ thời cơ, thuận lợi, đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức, để nâng cao tính tích cực, tự giác, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác, lao động và học tập; đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy đảng đã kiện toàn đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên. Theo đó, báo cáo viên cấp huyện và tương đương hiện có 281 đồng chí; tuyên truyền viên cơ sở có 2.161 đồng chí.
Qua khảo sát, theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, đội ngũ báo cáo viên các huyện, thành phố, thị xã (tương đương) có 100% tốt nghiệp THPT; 99% trình độ chính trị cao cấp, cử nhân; 100% là cán bộ chủ chốt cấp huyện và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; mỗi tháng báo cáo viên báo cáo 1-2 kỳ có 187/281 lượt báo cáo viên tham gia báo cáo; khá, giỏi có 234/281 báo cáo viên. Báo cáo viên cấp huyện (tương đương) có ưu thế là nhiều thông tin, nhiều kinh nghiệm tuyên truyền, vừa làm báo cáo viên, vừa tham gia giảng dạy tại các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã, vì vậy trình độ, năng lực nói chung ngày càng được nâng lên.
Tuyên truyền viên cơ sở có trình độ đại học 822/2.161; mỗi tháng tuyên truyền viên báo cáo 1-2 kỳ có 842/2.161 tuyên truyền viên tham gia; khá, giỏi có 1.427/2.161 tuyên truyền viên. Hoạt động của lực lượng này chủ yếu ở cơ sở, tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những phong trào thi đua, thực hiện quy chế dân chủ, quy ước khu dân cư... trong các buổi sinh hoạt khu phố, tổ, hội. Nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhất là cấp huyện và cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Cái Bè và Gò Công Đông mở 3 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng có 245 báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện và cơ sở dự. Các huyện, thành phố, thị xã còn lại cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ tuyên giáo cho Ban Tuyên giáo cấp xã, trong đó có chuyên đề chuyên sâu về công tác tuyên truyền miệng.
Nhìn chung, đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có phẩm chất đạo đức và lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp ủy phân công; kịp thời chuyển tải thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tình hình thời sự trong nước và thế giới đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tổ chức, quản lý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã đi vào nề nếp, hoạt động đúng theo quy chế của cấp ủy.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền miệng tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của công tác tư tưởng; chủ động tham mưu giúp cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mặt của công tác tuyên truyền miệng, theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, qua đó cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức kiện toàn, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên gắn với đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tuyên truyền miệng theo Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X).
Thứ hai, công tác tuyên truyền miệng đòi hỏi phải có sự đổi mới thực sự cả về nội dung, cách thức theo hướng chủ động kịp thời hơn, nhạy bén, sâu sắc hơn, toàn diện, hiệu quả hơn; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ làm công tác báo chí, dư luận xã hội; và trên hết, đòi hỏi phải có sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền miệng. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp hiện đại trong công tác tuyên truyền; chủ động chọn lọc, xử lý thông tin, đảm bảo nguồn thông tin chính thống, thông tin có định hướng, tránh rơi vào “cái bẫy” của các thế lực thù địch, phản động.
Thứ ba, mỗi báo cáo viên không ngừng ra sức học tập nâng cao trình độ, phẩm chất và năng lực, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tuyên truyền miệng. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức các cuộc thi báo cáo viên giỏi để đội ngũ báo cáo viên của cấp ủy có điều kiện trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn, phương pháp để nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Thứ tư, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo quy định. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết đảm bảo hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền miệng, đồng thời kết hợp với phát huy các hình thức tuyên truyền truyền thống nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền miệng./.
Tấn Quân
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang