Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 3/6/2016 22:37'(GMT+7)

“Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”

 

 

So với các lần tuyệt chủng hàng loạt trước đây, nguyên nhân của lần này không phải do các hiện tượng thiên nhiên như biến đổi khí hậu, thiên thạch rơi hay núi lửa phun trào mà con người lại là tác nhân chính.

Hệ sinh thái và môi trường sống đang dần bị phá hủy khi số lượng cao ốc, đô thị ngày càng mọc lên như nấm. Biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều nơi khi nhiên liệu hóa thạch được sử dụng tràn lan và một lượng lớn khí CO2 được thải vào bầu khí quyển. Hàng nghìn cá thể động vật hoang dã bị săn bắt trái phép chỉ để thỏa mãn nhu cầu về thực phẩm, dược liệu, vật nuôi và đồ trang trí của con người. 

Săn bắt và vận chuyển động, thực vật hoang dã đang diễn ra ở mức báo động trong lịch sự cũng là nguyên nhân chính khiến cho các loài động, thực vật hoang dã dần biến mất. Tại Việt Nam, loài tê giác đã được công bố tuyệt chủng vào năm 2012 khi cá thể tê giác Java cuối cùng bị bắn hạ bằng một phát súng với chiếc sừng đã bị lấy đi. Nhu cầu tiêu dùng sừng tê giác tại các quốc gia trong đó có Việt Nam đang đe dọa đến sự sinh tồn của loài tê giác sinh sống tại các quốc gia khác trên thế giới cũng như góp phần làm gia tăng tỷ lệ săn bắn trộm tê giác tại các quốc gia Châu Phi. Tỷ lệ này đã tăng 90 lần trong vòng 8 năm, từ 13 cá thể tê giác bị giết năm 2007 lên tới 1,175 cá thể tê giác bị giết năm 2015.

Ba trong số năm phân loài tê giác, cùng với hơn 4,600 loài động, thực vật hoang dã khác đã được xếp trong danh mục loài “cực kỳ nguy cấp” – là nhóm các loài đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai gần trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Như vậy, những giống loài này đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nếu chúng ta không hành động ngay. 

Số lượng các loài động, thực vật được xếp ở danh mục loài “cực kỳ nguy cấp” đã gia tăng nhanh chóng trong vòng hơn 20 năm qua. Với tình hình săn bắt trái phép động vật hoang dã như hiện nay, một vài loài động vật lớn trên trái đất – và rất nhiều những loài động vật khác mà nhiều người trong chúng ta chưa từng biết đến – sẽ có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần. Đã không thể tìm thấy trong tự nhiên một cá thể hổ nào tại Campuchia. Theo tổ chức WWF, số lượng hổ tại Việt Nam cũng đang tụt giảm nhanh chóng, chỉ còn ít hơn 5 cá thể hổ sinh sống trong tự nhiên. Trong vòng 2 năm 2010-2012, hơn 100,000 cá thể voi Châu Phi bị giết hại để lấy ngà chiếm khoảng 20% dân số voi trên toàn thế giới. Chỉ trong vòng 10 năm, hơn 1 triệu cá thể tê tê trong tự nhiên và trong các khu vực được bảo tồn tại Việt Nam đã bị săn bắn trộm để lấy thịt và vẩy khiến cho tê tê trở thành loài động vật có vú bị săn bắt nhiều nhất trên thế giới. Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), từ năm 2010 – 2015, hải quan Việt Nam đã thu giữ được hơn 55.000kg tê tê, 18.000 kg ngà voi và 235 kg sừng tê giác vận chuyển trái phép vào và qua địa phận Việt Nam.

Buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã không chỉ khiến cho các giống loài bị săn bắt và buôn bán – mà còn gây ra nhiều tác động đến cuộc sống của con người. Sự tuyệt chủng của các giống loài sẽ phá hủy hệ sinh thái, tác động trực tiếp đến các nhân tố của hệ sinh thái, bao gồm – không khí, nước sạch, thực phẩm, nơi ở và thuốc men – chính là những nhân tố quan trọng duy trì sự sống của con người. Buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã cũng gián tiếp hủy hoại các di sản thiên nhiên, làm suy thoái môi trường sinh thái cũng như sự phát triển kinh tế của các quốc gia và trong khu vực. Hoạt động trái phép này cũng làm gia tăng các hình thức tội phạm có tổ chức, gây nguy hiểm đến mạng sống của các cán bộ làm công tác bảo tồn thiên nhiên, gia tăng tham nhũng và đe dọa đến an ninh quốc gia và toàn cầu.

Hàng năm, theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) giá trị của các hoạt động buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã ước tính đạt $7-24 tỷ đô la Mỹ, trở thành một trong những hoạt động thương mại trái phép lớn trên thế giới cùng với buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người. Báo cáo về tình hình phạm tội liên quan đến động, thực vật hoang dã toàn cầu mới được tổ chức UNODC phát hành vào ngày 25/5/2016 đã chỉ ra “mối liên hệ giữa buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã với nhóm tội phạm chuyên nghiệp liên quan đến buôn bán ma túy, buôn người, khủng bố và các hình thức phạm tội xuyên quốc gia khác” và hoạt động này cũng có mối liên hệ với các nhóm nổi loạn trong quá khứ. Theo thống kê của tổ chức Thin Green Line, hơn một nghìn kiểm lâm đã bị sát hại trong 10 năm qua khi đang thực hiện nhiệm vụ. 

Sự hy sinh của các cán bộ kiểm lâm và nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật mà họ đã bảo vệ đáng lẽ đã không nên xảy ra bởi nó xuất phát chính từ nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm như cao hổ, bào thai tê tê và sừng tê giác của con người. Nhu cầu sử dụng cao đã khiến số lượng tội phạm tham gia săn bắn trộm gia tăng và rõ ràng họ không quan tâm liệu mình có đang giết hại những cá thể động vật hoang dã cuối cùng.

Bất kỳ ai cũng có trách nhiệm hành động góp phần chấm dứt nạn buôn bán trái phép động, thực vậy hoang dã và cuộc tuyệt chủng toàn cầu mà con người đã gây nên. Với những lý do này, tổ chức Liên Hiệp Quốc (UN) đã quyết định lựa chọn chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” (Go Wild for Life) cho Ngày Môi trường Thế giới năm nay nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động chống lại nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã cho thế hệ tương lai.

Ngay từ hôm nay, chúng ta hãy cùng thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và hành động ngay để bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Hãy chia sẻ để bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của bạn hiểu về những tác hại mà việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã gây ra cho môi trường sinh thái, cộng đồng và an ninh quốc gia. Chúng ta hãy cùng thay đổi thói quen và hành vi của mình để giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã trong cộng đồng và kêu gọi các nhà xây dựng và thực thi chính sách coi nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã là nội dung ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách có liên quan.

Tại Việt Nam, quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và của cả cộng đồng đã đem lại nhiều thành công trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã. Ban Tuyên giáo Trung ương (CCPE) phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của nhóm đối tượng sử dụng chính như trưng bày các hình ảnh, thông điệp thay đổi hành vi sử dụng động, thực vật hoang dã tại sân bay quốc tế Nội Bài và trên tuyến phố Hà Nội, tổ chức các buổi hội thảo, hội đàm, tập huấn thay đổi hành vi về tiêu dùng động, thực vật hoang dã cho các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng và Chính phủ.

Ngày Môi trường Thế giới năm nay là cơ hội để cả cộng đồng cùng đồng hành bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn, duy trì sự đa dạng sinh học cho thế hệ tương lai. Mỗi người hãy thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với hành vi buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã qua từng lời nói và hành động để cùng nhau xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam: Không buôn bán và tiêu dùng trái phép động, thực vật hoang dã.

TRAFFIC tại Việt Nam

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất