1. Trong hơn 94 năm lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi,
phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực
lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng
luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác
ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước đang đứng
trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân
tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực
lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt
ra cấp bách.
Khái niệm “đảng cầm quyền” lần đầu tiên được V.I. Lênin nêu ra năm 1922.
Từ những năm 1925-1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã nêu về đảng cầm quyền. Bác coi vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo Nhà nước và xã hội là nguyên tắc thể hiện vai trò cầm quyền của
Đảng; Đảng giữ trọng trách to lớn đó vì mục đích của Đảng không có gì
khác là “lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ
tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”, “ngoài lợi
ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”, “Đảng
không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm
vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là một Đảng cầm
quyền”. Về cách lãnh đạo, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ
tịch Hồ Chí Minh dành riêng một mục nói về vấn đề này. Người đã đặt câu
hỏi: “Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?” và trả lời: “Lãnh đạo đúng nghĩa
là: 1) Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng…”. 2) Phải tổ chức
sự thi hành cho đúng…”. 3) Phải tổ chức sự kiểm soát…”; và để làm cho
đúng cả 3 việc, theo Người, đều phải dựa vào dân.
Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
Đại hội VII của Đảng lần đầu tiên đề cập “đổi mới nội dung và phương
thức lãnh đạo của Đảng”, nhấn mạnh cần “quy định cụ thể mối quan hệ và
lề lối làm việc giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân ở các
cấp, trước hết là ở Trung ương”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định phương thức lãnh đạo
của Đảng, đó là: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các
định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên
truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương
mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực
và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các
đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ
thống chính trị”; “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ
phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám
sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII khẳng định “Đảng lãnh
đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ
trách; lãnh đạo thông qua tổ chức đảng chứ không chỉ thông qua các cá
nhân đảng viên; lãnh đạo bằng các quyết định của tập thể và bằng cách
theo dõi, cho ý kiến chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, khuyến khích
những mặt tốt, uốn nắn những lệch lạc, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò và
hiệu lực của Nhà nước, chứ không điều hành thay Nhà nước”. Các Đại hội
VIII, IX, X, XI và XII đều tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm về
phương thức lãnh đạo của Đảng; Đại hội XIII nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới
mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới”. Trên cơ sở
tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa X, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết
số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo,
cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Vai
trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được khẳng
định trong các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” cũng sớm
được khẳng định và thực thi bằng các quy định chặt chẽ trong Điều lệ
Đảng, Hiến pháp và các quy định của pháp luật, cũng như các quy chế, quy
định của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các hội quần chúng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ,
khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng
thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói
riêng đã lập nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu vĩ đại. Từ một đất nước
chưa có tên trên bản đồ thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt
Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm
đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu,
Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô
thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng
trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại
giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến
lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn,
và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy
hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên
hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm
sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh
thần của người dân.
Đồng thời, đã hình thành thể chế chính trị ổn định với cơ chế “Đảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Hệ thống tổ chức bộ máy của
Đảng qua nhiều lần kiện toàn, từng bước định hình, đang tiếp tục đổi
mới, sắp xếp lại. Hệ thống chính trị, nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được xây dựng,
hoàn thiện, khẳng định vai trò quản lý, điều hành mọi hoạt động của đời
sống xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thật sự là tổ chức đại diện, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng
thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà
nước. Các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; đoàn kết, tập hợp,
tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường
lối của Đảng. Thể chế đó ngày càng khẳng định sự phù hợp và tính ưu
việt, được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tin
tưởng, ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại,
hạn chế. Vẫn còn tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn
chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một
số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy
đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Mô hình tổng thể của hệ
thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối
quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa
rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống
chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và
quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai
trò lãnh đạo của Đảng. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối
làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều.
2. Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực
lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa
dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ; một số công tác trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay
hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống
chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính
sách và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình
của cán bộ, đảng viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; sự vận động, thuyết phục
nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giới thiệu đại biểu
ưu tú vào bộ máy nhà nước và thông qua công tác kiểm tra - giám sát.
Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật,
đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng
viên của Đảng chấp hành, “thượng tôn” pháp luật. Đảng cầm quyền lãnh
đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề
ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý
xã hội trên cơ sở pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo quyền lực
thực sự thuộc về Nhân dân, Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công,
thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực
sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo
cơ quan nhà nước. Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh
gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ
chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công
việc. Nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp
việc của Đảng; sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng
và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh
đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ
nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng,
tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức.
Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên
nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị
quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là
các “tế bào” của Đảng. Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn
gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác
định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển
của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có
tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo
sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của
cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân
thực hiện Nghị quyết của Đảng. Việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết
phải tạo ra sự tự nhận thức, tự thấm nhuần, nhất là những quan điểm, chủ
trương, giải pháp mới. Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt;
nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của
Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Đảng
kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được
thực hiện hiệu quả; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu
quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc; kịp thời phát
hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo; uốn nắn, điều chỉnh những biểu
hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi
phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát huy cao độ vai trò
kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Ban
hành Quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện,
xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu
cực. Tập trung chuyển đổi số trong công tác đảng; xây dựng cơ sở dữ
liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ
Trung ương tới cơ sở, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư và cơ sở dữ liệu khác, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội
bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
V.I. Lênin đã dạy: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải
quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử
dụng những phương pháp của ngày hôm qua”. Thực tiễn đổi mới luôn vận
động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm
quyền của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng; thấm nhuần
lời dạy của Tổng Bí thư Lê Duẩn “Phải lãnh đạo chặt chẽ và có nguyên
tắc, không bao giờ lung lay trước những khó khăn, thử thách của cách
mạng”./.
TÔ LÂM
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam