Thứ Hai, 25/11/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 21/1/2015 21:9'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả

Theo đánh giá của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hiện nay, Việt Nam đứng vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành y tế cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ví dụ như còn có sự chênh lệch đáng kể về các chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền, nhóm dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng – UVTW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Công cuộc đổi mới toàn diện trong gần 30 năm qua ở Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và hết sức quan trọng, trong đó không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của ngành y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến được một bước dài để hướng tới việc phục vụ nhân dân với số lượng nhiều hơn và chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn và công bằng hơn. Các chỉ số sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. “Chủ trương tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt nhất là chủ trương cực kỳ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đổi mới ngành y tế sẽ là những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020” của đất nước” - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh. 

Tại Hội nghị, Báo cáo kết quả tổng kết 30 năm đổi mới hệ thống y tế tại Việt Nam do PGS.TS Hoàng Văn Minh, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày đã chỉ rõ phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam cam kết đã đạt được hoặc sẽ đạt được trong năm 2015; các chỉ số về tình trạng sức khỏe của người dân đều đạt mức tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia có cùng mức phát triển kinh tế. 

Cùng với đó, các thành tựu khác của hệ thống y tế như y học dự phòng đã kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1; công tác khám chữa bệnh đã phát triển được nhiều công nghệ kỹ thuật cao, ngang tầm khu vưc; công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã thực hiện được giảm sinh, kiềm chế tốc độ gia tăng tự nhiên khá nhanh và tương đối vững chắc; bảo đảm đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; nhiều đơn vụ trong ngành y tế đã áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý… 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ngành y tế đạt được trong 30 năm qua, Báo cáo cũng nêu rõ một số thách thức trong hệ thống y tế. Thách thức về sức khỏe, đó là gia tăng các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ; xu hướng già hóa dân số, các dịch bệnh mới nổi tái xuất hiện, các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu. Về hệ thống y tế thì cũng chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với các vấn đề nêu trên; chính sách tài chính y tế còn chậm đổi mới. Nhân lực y tế thiếu về số lượng ở tất cả các tuyến, hạn chế về số lượng, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Các bệnh viện tuyến trên thường xuyên quá tài trong khi hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư phù hợp.  Tình trạng bất công bằng trong chăm sóc sức khỏe còn cao giữa các nhóm dân cư; thiệt thòi đối với người nghèo, người có học vấn thấp và người dân tộc thiểu số. 

Báo cáo cũng đã đưa ra 7 khuyến nghị để giải quyết những thực trạng trên trong đó nổi bật là: cần đầu tư cải thiện cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe nhân dân trên cơ sở minh bạch, công khai, trung thực và chất lượng dịch vụ; chăm sóc sức khỏe toàn dân dựa trên BHYT toàn dân với gói dịch vụ y tế cơ bản, giảm thiểu chi phí y tế từ tiền túi, đổi mới phương thức chi trả, xác định gói quyền lợi cơ bản và tăng cường ưu tiên đối với các nhóm yếu thế để cải thiện chức năng bảo vệ tài chính; thu hút cán bộ và đạo tạo nâng cao năng lực cán bộ công tác tại lĩnh vực y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở… 

Cũng tại Hội thảo, Báo cáo Vì y tế khu vực miền núi phía Bắc công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển do TS. Phạm Hồng Hải, Trường Đại học Thái Nguyên trình bày đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa gồm: Tỷ lệ bao phủ BHYT gần 100%, ngân sách nhà nước cho CSSK người nghèo, dân tộc thiểu số kết dư 1/3 Quỹ nhưng người nghèo, dân tộc thiểu số phải chi phí tiền túi, chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế lại cao; nhiều chỉ số CSSK còn thấp hơn so với đồng bằng và cả nước. Do đó, Báo cáo kiến nghị, đối với khu vực miền núi, dân tộc thiểu số vấn đề không còn là tiến tới bao phủ BHYT nữa mà phải tiến tới bao phủ CSSK toàn dân theo các mục tiêu cơ bản, đó là: Bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ CSSK có chất lượng khi có nhu cầu và được bảo vệ trước tổn thất tài chính do chi phí y tế. 

Ngoài các Báo cáo trên, tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận về các kết quả nghiên cứu “30 năm đổi mới hệ thống y tế Việt Nam”, đặc biệt là thảo luận về những thành tựu quan trọng mà hệ thống y tế đã đạt được cũng như những khó khăn, thách thức mà hệ thống y tế đã và đang phải đối mặt, giải quyết. 

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã được nghe nhiều ý kiến tham vấn của các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới, Trường Đại học Y Hardvard và Ngân hàng Thế giới về những giải pháp phát triển hệ thống y tế Việt Nam trong thời gian tới./. 

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất