Sáng 27/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc
hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, với sự điều hành của Phó Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị đã thảo luận về dự án Luật Công
nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã
thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh
và động viên công nghiệp với 102 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội
trường. Trong kỳ họp, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối
hợp để rà soát, tiếp thu và chỉnh lý; đồng thời khảo sát và làm việc với
các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực
tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm chỉnh lý,
hoàn thiện dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết thêm, Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ đã chủ trì họp cùng các cơ quan liên quan nhằm hoàn thiện
dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về
dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 31. Trên cơ sở chỉ đạo của Chủ tịch Quốc
hội Vương Đình Huệ, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan
liên quan đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc
phòng, an ninh và động viên công nghiệp, hoàn thiện hồ sơ và đưa ra xin ý
kiến các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ
sung, chỉnh lý nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực động viên công
nghiệp. Trong đó, mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành
phần kinh tế, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm động viên
công nghiệp, sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; mở rộng đối
tượng sử dụng sản phẩm, mở rộng chuẩn bị động viên công nghiệp từ thời
bình.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đánh giá cao công tác soạn
thảo, thẩm tra dự thảo Luật, thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ
sung, chỉnh lý nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực động viên công
nghiệp. Trong đó đã mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành
phần kinh tế; về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; về sản phẩm động
viên công nghiệp, về sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; mở
rộng về đối tượng sử dụng sản phẩm, đồng thời mở rộng chuẩn bị động viên
công nghiệp từ thời bình.
Tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật đang giải thích “cơ sở công nghiệp động
viên”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên
cứu kỹ lại “cơ sở công nghiệp động viên” hay “cơ sở động viên công
nghiệp”. Theo đại biểu, tên Luật có nội hàm là động viên công nghiệp,
căn cứ Điều 1, phạm vi điều chỉnh của Luật: Luật này quy định về vị trí,
nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và nguồn lực
cho công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp.
Như vậy, nguồn lực cho động viên công nghiệp không chỉ có trong doanh
nghiệp, mà có thể có nguồn lực trong các tổ chức, cá nhân và toàn dân
cần thiết cho động viên công nghiệp, chứ không chỉ giới hạn phạm vi
trong doanh nghiệp, ngoài lực lượng vũ trang. Vì vậy, nội hàm của vấn đề
này cần nghiên cứu, làm rõ xuyên suốt trong các điều khoản Luật có liên
quan nhằm thể chế hóa cao nhất quan điểm của Đảng “về phát huy sức mạnh
tổng hợp của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “huy động
mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược”.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Đảng và Nhà nước ta luôn quan
tâm đầu tư cho quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng Việt Nam phù
hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để đáp ứng yêu
cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, theo đại
biểu, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp
quốc phòng, an ninh, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế
tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn.
Đại biểu nhấn mạnh, muốn tiếp cận nhanh với nền khoa học, công nghệ tiên
tiến trên thế giới, tiệm cận với các nước có nền công nghiệp quốc
phòng, an ninh phát triển thì việc bổ sung quy định về quỹ này nhằm giảm
gánh nặng cho ngân sách nhà nước; tăng tính chủ động, linh hoạt trong
bố trí nguồn lực để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu
phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp
quốc phòng, an ninh nước nhà.
Các đại biểu cũng cho rằng, Điều 20 dự thảo Luật quy định Chính phủ
thành lập, quản lý, sử dụng quỹ là cần thiết để bảo đảm việc sử dụng quỹ
đúng mục đích, công khai, minh bạch. Về trách nhiệm quản lý nhà nước,
tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã lược
bỏ các điều quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành có liên
quan (Điều 64, 65, 66 và 68); bổ sung Điều 6A quy định về cơ chế chỉ đạo
liên ngành về công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Bày tỏ đồng tình, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà
Nội) nhấn mạnh, việc chỉnh lý và bổ sung như vậy là hợp lý vì công
nghiệp quốc phòng, an ninh là lĩnh vực đặc thù cần có sự tham gia liên
ngành của nhiều bộ, ngành; xây dựng và phát triển công nghiệp quốc
phòng, an ninh là trách nhiệm của các cấp, các ngành theo đúng chủ
trương của Đảng; bảo đảm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế.
Tuy
nhiên, theo đại biểu, cần giải thích và làm rõ hơn việc quy định như
vậy còn là kết quả tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của công tác quản lý
nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh của nước ta cũng như học tập
kinh nghiệm thế giới.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, các đại biểu nhấn mạnh, công nghiệp
quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề lớn của đất nước,
liên quan đến toàn dân, do vậy kiến nghị bổ sung: định kỳ 2 năm/lần
hoặc khi cần thiết, Chính phủ tổ chức sơ kết, đánh giá công tác quản lý
nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp,
đồng thời báo cáo cho Quốc hội; UBND cấp tỉnh báo cáo cho HĐND cùng cấp.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển
công nghiệp quốc phòng và an ninh do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban
Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng ban Thường trực để giúp
Chính phủ triển khai chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển công
nghiệp quốc phòng an ninh.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu,
bổ sung điều khoản cụ thể, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ
đạo quốc gia và thành phần tham gia, cơ quan đầu mối giúp việc Ban Chỉ
đạo, làm cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể, tạo thuận lợi trong quá
trình thực hiện./.
TTXVN