Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 18/12/2016 21:21'(GMT+7)

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Campuchia

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đây là chuyến thăm chính thức lần thứ hai của Thủ tướng Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen sau khi được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng Vương quốc Campuchia nhiệm kỳ 5 (năm 2013) và được bầu làm Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) từ tháng 6/2015.

Campuchia là nước nông nghiệp với 20% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 80% dân số sống ở nông thôn. Kinh tế Campuchia bắt đầu phát triển từ trong những năm 1990 khi tình hình chính trị dần đi vào ổn định và đất nước đi theo nền kinh tế thị trường. Từ năm 2012 đến nay, GDP của Campuchia đều đạt tăng trưởng trung bình trên 7%/năm, năm 2016 dự kiến đạt 6,9%.

Năm 2014, Campuchia đón 4,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, năm 2015 đón 5 triệu lượt khách. Nông nghiệp, dệt may, du lịch và xây dựng là những lĩnh vực trụ cột chính của nền kinh tế Campuchia.

Hiện nay, Campuchia có quan hệ thương mại với 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường xuất khẩu chính của Campuchia là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia cơ bản tiếp tục phát triển. Trao đổi đoàn được duy trì ở cả cấp cao và các bộ, ngành, địa phương, củng cố thêm sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Năm 2016, hai bên tích cực trao đổi thêm các đoàn cấp cao; trong đó đáng chú ý phía Việt Nam có Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Campuchia cấp Nhà nước (6/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hữu nghị chính thức Campuchia (9/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển lần thứ 9 (CLV-9) tại Xiêm Riệp (Campuchia).

Về phía Campuchia có Chủ tịch Quốc hội Heeng Xom-rin dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (1/2016); Thủ tướng Hun Xen dự Hội nghị cấp cao ACMECS-7; Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV-8) và Diễn đàn kinh tế thế giới về Mekong (WEF-Mekong) tại Hà Nội vào tháng 10/2016.

Là hai nước láng giềng, có chung hơn 1.000km đường biên giới, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ năm (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu và Malaysia) trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia với 183 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,86 tỷ USD.

Campuchia có 12 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 54 triệu USD, đứng thứ 49 trên tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hoạt động đầu tư của Việt Nam trải khắp trên 15 ngành lĩnh vực của Campuchia.

Trong đó, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; năng lượng; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bưu chính, viễn thông; chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng…

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia. Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2015 đạt 3,37 tỷ USD (tăng 0,2% so với năm 2014).

Tính đến hết tháng 10/2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,382 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 1,799 tỷ USD.

Ngày 26/10, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia đã ký Thỏa thuận về thúc đẩy thương mại song phương dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước.

Về du lịch, năm 2015 số du khách Việt Nam sang Campuchia đạt khoảng 1 triệu lượt người (tăng 9,9%), trong khi du khách Campuchia tới Việt Nam đạt 210.000 lượt người.

Trong 10 tháng đầu năm 2016, lượng khách Campuchia đến Việt Nam đạt 172.694 lượt người. Tính đến hết tháng 9/2016, lượt khách du lịch Việt Nam đến Campuchia là 695.672 người.

Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác song phương như: Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đã họp được 14 kỳ; Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam­-Campuchia đã họp được 8 lần.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước cũng được quan tâm thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác y tế và giao lưu nhân dân, thường xuyên gặp mặt, ký kế hoạch hợp tác thường niên.

Hai nước đang tích cực xây dựng kế hoạch kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2017). Hai bên đang phối hợp xây dựng nội dung kết nối 2 nền kinh tế đã được nhất trí tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác Kinh tế, Văn hóa và Khoa học kỹ thuật (tháng 2/2014 tại Phnom Penh).

Hợp tác an ninh-quốc phòng được tăng cường, hai bên phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới, tăng cường, duy trì tuần tra chung trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia; tiếp tục khẳng định nguyên tắc không cho phép bất cứ lực lượng thù địch sử dụng lãnh thổ nước này chống phá an ninh, ổn định của nước kia.

Hai bên phấn đấu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền vào thời gian sớm nhất nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia tiếp tục được thúc đẩy./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất