Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 25/12/2008 21:31'(GMT+7)

Tìm cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển

Các đại biểu đều thống nhất và đánh giá cao vai trò điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả của Chính phủ trong năm 2008 đầy khó khăn, thách thức cũng như về Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2009: Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chính sách tài chính và tiền tệ; bảo đảm an sinh xã hội nhằm phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt 6,5%.

Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phân tích, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đình trệ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đã phải vay vốn với lãi suất 18-19%, nay lãi suất hạ nhưng vì nợ cũ chưa giải tỏa xong nên không được vay tiếp. Vì vậy, cần phải quy định sớm và rõ cơ chế phối hợp giữa các địa phương với doanh nghiệp và ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp hiệu quả và cần thực hiện ngay.

Ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu vấn đề cần giúp doanh nghiệp tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phải thật sự giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư, sản xuất.

Ông Dương Quốc Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị có biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo ông Sơn, lãi suất ngân hàng hiện nay đã hạ, nhưng vẫn cao so với thế giới, nếu không thể hạ lãi suất được nữa thì xem xét hỗ trợ bằng cách khác như, giúp doanh nghiệp đào tạo nhân lực, hỗ trợ tiếp cận công nghệ cao… cần tổ chức ngân hàng lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long giúp nông dân bảo quản và tiêu thụ nông sản.

Ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý việc đấu giá quyền sử dụng đất và trả tiền thuê đất theo từng năm hiện chưa có sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.

Lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ cần có thông tin dự báo kịp thời và điều chỉnh chỉ tiêu linh hoạt.

Sử dụng vốn ngân sách và kích cầu hiệu quả

Các đại biểu dự Hội nghị cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh việc năm 2009 Chính phủ dành 1 tỷ USD trong gói kích cầu 6 tỷ USD để hỗ trợ đầu tư, trong đó hỗ trợ chủ yếu cho đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số doanh nghiệp khác duy trì sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sinh viên và một số công trình quan trọng khác.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh cho rằng, những năm trước Chính phủ cũng thực hiện kích cầu bằng kênh cho vay và cho thấy có hiệu quả, nhất là trong đầu tư hạ tầng. Ông kiến nghị Chính phủ nên duy trì kích cầu cho các đối tượng theo hướng này. Nên lập quỹ đầu tư phát triển địa phương, tiền kích cầu rót về cho quỹ này để sử dụng cho hiệu quả. Gói kích cầu không nên đưa thẳng vào lãi suất vay mà nên đưa về cho địa phương để tự cân đối và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Một số ý kiến khác đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, đặc biệt trong việc chỉ định thầu để chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện có hiệu quả dự án, tránh tiêu cực. Các ý kiến đều cho rằng cần trình Quốc hội sửa lại Luật Đấu thầu cho phù hợp tình hình thực tế.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong thời gian chờ trình sửa Luật, các tỉnh chọn lọc các dự án cấp thiết cần chỉ định thầu lập danh mục trình Chính phủ, Thủ tướng sẽ ủy quyền, nhưng không thể làm trái quy định của Luật Đấu thầu về hạn mức chỉ định thầu.

Nam Tiến-Nhật Bắc ( chinh phu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất