Nhiều nhà khoa học, đảng viên tại Thủ đô Hà Nội đồng tình với chủ trương
này; đồng thời, nêu kiến nghị xuất phát từ thực tiễn tại địa phương
trong quá trình sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính.
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TINH GIẢN BIÊN CHẾ THEO LỘ TRÌNH PHÙ HỢP
Theo PGS. TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên,
Môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ
thuật Việt Nam), thực hiện đúng việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp phát huy
được năng lực, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, công chức, tạo động
lực, động viên những người được giao trách nhiệm thực hiện công việc
hiệu quả hơn.
“Việc thu gọn đầu mối quản lý sẽ giúp bộ máy bớt cồng kềnh, giảm đi
những thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết. Nếu trước đây, người
dân muốn giải quyết một thủ tục hành chính phải đi đến 5 đầu mối quản lý
thì nay, chỉ cần đến một đầu mối; như vậy là làm lợi cho nhân dân. Cùng
với đó, khi bộ máy tinh gọn sẽ giảm bớt gánh nặng về chi thường xuyên
(chi trả lương) cho tổ chức, đơn vị. Đó là điều kiện để có thể tăng
lương với những cán bộ được chọn lọc; đồng thời, khi được phân công
nhiệm vụ, họ sẽ phấn khởi hơn, làm việc năng suất hơn”, PGS. TS. Bùi
Thị An chia sẻ.
PGS. TS. Bùi Thị An cũng cho rằng, thời gian tới cần tiếp
tục thực hiện tốt Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương
trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Nghị
quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ
thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cần
tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về tinh gọn đơn
vị hành chính Nhà nước trong các giai đoạn 2023 - 2026 và giai đoạn
2026 - 2030.
Qua theo dõi tại địa phương, PGS. TS. Bùi Thị An nhận
thấy, việc đổi mới và kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được
thành phố Hà Nội hết sức coi trọng, hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò
của tổ chức bộ máy Đảng mạnh từ cấp tỉnh/thành phố tới cơ sở, đủsức tham
mưu cho cấp ủy các cấp những quyết sách phát triển lớn.
Ví dụ, khi chuẩn bị xây dựng các luật, cơ quan xây dựng và thi hành
luật cần có sự thống nhất, đồng hành để các dự án luật được thực hiện và
đi vào cuộc sống. Thực tế thời gian qua, tại thành phố Hà Nội, để các
cơ chế, chính sách được thực hiện và đi vào cuộc sống; UBND và HĐND
thành phố luôn sát cánh, cùng nhau họp bàn, phân tích để khi trình ra
HĐND những nội dung có chất lượng nhất, nhận được sự đồngtình cao nhất
đối với các văn bản luật.
PGS. TS. Bùi Thị An phân tích, làm gọn đầu mối, sáp nhập
các đơn vị hành chính Nhà nước chính là công việc liên quan đến việc tổ
chức, sắp xếp bộ máy, nhân sự. “Nơi nào đã làm tốt thì cần tiếp tục phát
huy; đặc biệt, phải có cách thức thực hiện phù hợp, không phải đạt được
một số kết quả bước đầu rồi là dừng lại. Xây dựng kế hoạch tinh giản
biên chế theo lộ trình phù hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị
thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo
Kết luận 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý
biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026”, PGS. TS. Bùi
Thị An nói.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Bùi Thị An đề xuất rà soát, đơn giản hóa thủ
tục hành chính, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của từng cơ
quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự
nghiệp công lập để cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm
số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách nhà nước và tăng số lượng
người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ
tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số
75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV;
yêu cầu những người đứng đầu ngành, địa phương phải cam kết trước khi
nhận nhiệm vụ.
RÀ SOÁT ĐỔI MỚI TỔ CHỨC BỘ MÁY
TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội - Tổng hội Y học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất Nhà nước cần phân loại rõ ràng và mạnh dạn chuyển giao những nhiệm vụ không cần thiết cho khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội. (Ảnh: TTXVN)
TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định
xã hội - Tổng hội Y học Việt Nam (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật
Việt Nam), nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, tập trung
hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” mà Tổng Bí thư
Tô Lâm đề cập trong bài viết không chỉ là hoàn thiện thể chế chính trị
mà còn hoàn thiện thể chế về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường theo
đúng pháp luật và đúng định hướng của Đảng, phải đầy đủ, toàn diện và
công khai, minh bạch và rõ ràng.
“Nếu chúng ta làm tuần tự xây dựng đề
án này từ sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức
chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 và một số các luật trong vòng 12
kỳ họp của Quốc hội thì chúng ta không thể bảo đảm được những định
hướng mà Đảng đề ra”, TS. Trần Huy Quang nhận định.
Bày tỏ đồng tình với việc Trung ương cũng ra Nghị quyết về tinh gọn
bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm với
nhiệm vụ và biên chế hợp lý, chuẩn hóa các chức danh, TS. Trần Huy
Quang cho rằng, tinh thần là tổ chức lại bộ máy nhưng không phải sáp
nhập mang tính chất cơ học mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết,
giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những
lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Huy Quang, việc đẩy mạnh phân cấp, phân
quyền như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết là một giải pháp
mang tính hệ thống quan trọng. Khi địa phương được trao quyền quyết định
và chịu trách nhiệm, họ sẽ chủ động hơn trong việc điều chỉnh quy mô
nhân lực phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, phân quyền chỉ là một phần,
thách thức lớn hơn nằm ở việc cải tiến quy trình.
Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, TS. Nguyễn Huy
Quang đề xuất, các hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ
thuật Việt Nam hiện cũng có những hội, thành viên tự hoạt động, cần phải
rà soát lại xem là tổ chức nào đang nhận biên chế và có kinh phí để
hoạt động, tổ chức nào còn hoạt động hiệu quả. Lấy ví dụ, Tổng hội Y học
Việt Nam, Hội Dược học, Hội Chữ thập Đỏ đều có cùng chức năng, cùng đối
tượng nhiệm vụ thì nên gộp lại các Hội này để từ đó Nhà nước sẽ định
biên và trả lương. Đồng thời, Nhà nước cần phân loại rõ ràng, mạnh dạn
chuyển giao những nhiệm vụ khu vực ngoài nhà nước có thể thực hiện tốt
hơn với chi phí thấp hơn./.
TTXVN