Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 1/7/2016 10:11'(GMT+7)

Tỉnh Quảng Bình sát cánh cùng ngư dân vượt qua khó khăn

Cá chết trôi dạt vào bờ biển xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. (Ảnh: TTXVN)

Cá chết trôi dạt vào bờ biển xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. (Ảnh: TTXVN)

Với bờ biển dài trên 110km, Quảng Bình có đến 18 xã ven biển với hơn 60.000 người có cuộc sống liên quan đến biển. Dù là tỉnh nhỏ nhưng Quảng Bình có hơn 4.000 tàu khai thác hải sản; trong đó có gần 1.000 tàu đánh bắt khơi xa. Biển là “cánh đồng lớn” nuôi sống bao người dân nơi đây. Vì vậy, sự cố môi trường biển thời gian vừa qua khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng nặng nề.

Thấy được những khó khăn của người dân đang gặp phải, tỉnh Quảng Bình đã kịp thời triển khai quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tỉnh Quảng Bình phân công các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp bám sát địa bàn, đến từng hộ dân để nắm bắt tâm tư, tình cảm từ đó đưa ra các giải pháp thích hợp hỗ trợ, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngay trước khi có những chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã chủ động nguồn trích ngân sách hỗ trợ ngư dân 500 tấn gạo cứu đói… Đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Bình đã phân bổ trên 1.500 tấn gạo giúp ngư dân ổn định cuộc sống.

Tỉnh Quảng Bình cũng trích từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ 5 triệu đồng/tàu cá đánh bắt xa bờ và 3,5 triệu đồng cho tàu cá đánh bắt gần bờ. Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình cùng các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp đã vận động, kêu gọi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong sự cố môi trường biển hàng tỷ đồng tiền mặt và nhiều hàng hóa có giá trị khác.

Trong khi biển gần bờ không thể đánh bắt, hải sản xa bờ bị rớt giá thê thảm khiến người dân hoang mang không muốn ra khơi, trước thực trạng này, tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn xin ý kiến Trung ương cho thí điểm việc chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ, thiết lập các điểm bán cá sạch có nguồn gốc và trợ giá thích đáng cho ngư dân.

Theo Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình, thời gian qua đơn vị đã cấp hơn 1.000 giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ cho các tàu cá với khối lượng gần 2.000 tấn hải sản.

Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bảo Ninh, Quảng Bình chia sẻ sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua cho người dân bị ảnh hưởng trước sự cố môi trường biển rất thiết thực. Tuy nhiên, do chịu nhiều thiệt hại nên người dân mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nhất là đối với ngư dân có tàu khai thác, đánh bắt trên biển, vùng biển khơi xa.

Ảnh hưởng của sự cố môi trường biển ở Quảng Bình không chỉ riêng với người dân các xã ven biển mà sâu rộng trên tất cả các mặt của cuộc sống. Một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng lớn còn có du lịch-ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trong những tháng gần đây, lượng khách du lịch đến Quảng Bình giảm mạnh, đặc biệt là du lịch biển. Trước tình cảnh khó khăn này, Quảng Bình đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp để kích cầu du lịch như giảm sâu giá vé tại các điểm, tour du lịch trên địa bàn như động Phong Nha, Tiên Sơn; nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách; tăng cường mở thêm các tuyến, tour, loại hình du lịch mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; tổ chức lễ hội ẩm thực; tuần du lịch tắm biển để phục vụ du khách khi đến địa phương…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài chia sẻ người dân hãy yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của tỉnh, của Chính phủ, của Trung ương trong những lúc khó khăn; chính quyền từ Trung ương tới cơ sở càng sát cánh cùng nhân dân vượt qua khó khăn.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị nhiều giải pháp căn cơ để tiếp tục đồng hành, giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn. Đáng chú ý là việc tỉnh đang xem xét đẩy mạnh thực hiện dự án 32 xã, vùng bãi ngang ven biển để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân nơi đây./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất