Đó cũng là nguyên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi Tọa đàm sáng nay (10-11) nhằm làm sáng tỏ những vấn đề hiện tại, từ đó đề xuất những giải pháp trung, dài hạn và tham mưu cho Ban Bí thư trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp cấp thiết về phát triển năng lượng bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi Tọa đàm, cùng với sự tham gia của trên 20 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương; Bộ khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn; Ban Tuyên giáo Trung ương và một số tổ chức nghiên cứu chuyên ngành thuộc Liện hiệp các hội khoa học và kỹ thuật việt Nam.
Chương trình Tọa đàm tập trung vào 8 nhóm vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến phát triển năng lượng bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, đó là:
1) Thực trạng sử dụng và phát triển năng lượng hiện tại của nước ta, bao gồm cả các hệ thống như than, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo.
2) An ninh năng lượng trong đối ngoại và hợp tác quốc tế cùng với sự xuất hiện của chính sách ngoại giao năng lượng trong quan hệ quốc tế; hành động đảm bảo cho nguồn cung cấp, vận chuyển, tiêu dùng năng lượng của quốc gia và làm lợi cho nền kinh tế; các vấn đề ngoại giao năng lượng đại diện cho yếu tố chính trị mà trong đó vấn đề năng lượng dễ bị lợi dụng, trở thành công cụ cho mục đích ngoại giao…
3) Đảm bảo an ninh năng lượng với muc tiêu phát triển bền vững được thể hiện từ các chính sách của các cơ quan Nhà nước; các chương trình đang được tiến hành; đối với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
4) Những bất cập hiện nay trong quản lý và điều hành vĩ mô về an ninh năng lượng từ chủ trương, chính sách trong điều hành giá, chống độc quyền trong phân phối năng lượng đến những hạn chế yếu kém trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; hạn chế từ cơ sở khoa học và thực tiễn trong định giá năng lượng; từ các vấn đề tính giá năng lượng; vấn đề xã hội hóa để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
5) Những thách thức đối với an ninh năng lượng trong nước, thể hiện khá rõ như sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng truyền thống; sự gia tăng mức tiêu thụ năng lượng của các quốc gia trong khu vực; tình hình bất ổn ở các quốc gia Trung Đông; vấn đề an toàn vận chuyển trên biển; sự lệ thuộc nước ngoài gây mất an ninh năng lượng; nhiều dự án chậm tiến độ; vấn đề mua điện từ Trung Quốc; vấn đề điện hạt nhân gần biên giới…
6) dự báo về an ninh năng lượng nước ta giai đoạn 2017 -2035, như các dự báo về nhu cầu tiêu thụ điện; về khả năng phát triển thủy điện; về nguồn than trong nước và than nhập khẩu; về nguồn khí tự nhiên và khi hóa lỏng nhập khẩu; về nguồn năng lượng tái tạo; về nhập khẩu điện…
7) Đề xuất các giải pháp trung và dài hạn cho việc đảm bảo an ninh các nguồn năng lượng phục vụ phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo tồn năng lượng: phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo (NLM & TT); xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
8) Thống nhất các kiến nghị cấp bách trong công tác chỉ đạo của Ban Bí thư trong giai đoạn tới, như chỉ đạo sát sao việc xây dựng chương trình nghiên cứu năng lượng quốc gia; tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; khảo sát thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng cơ bản, truyền thống để nâng cao tiềm năng và trữ năng; đa dạng hoá các nguồn năng lượng; tăng cường năng lực nội địa về cung cấp các sản phẩm năng lượng; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; xây dựng bộ giá chuẩn, hình thành phát triển thị trường năng lượng, thị trường điện lực cạnh tranh.
Các đại biểu đều đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn mà chủ đề Ban Tổ chức Tọa đàm đặt ra; tham gia nhiều ý kiến ở các góc cạnh khác nhau nhưng đều thống nhất cho rằng, trong những năm qua, mặc dù đã có rất
nhiều cố gắng, đảm bảo cung ứng năng lượng cho phát triển kinh tế -
xã hội nhưng năng lượng Việt Nam bộc luôn lộ và nảy sinh nhiều bất cập,
nhiều vấn đề về năng lượng ngày càng trở nên nghiêm trọng và gay gắt. Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, cần đặc biệt quan tâm phát triển năng lượng bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là điều cần thiết tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội. Yếu tố cần tập trung ưu tiên đối với hệ thống năng lượng hiện nay và trong tương lai
là hướng đến phát triển năng lượng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, suy thoái môi
trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc
gia. Trong đó, hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch, đầu tư nghiên
cứu khoa học và phát triển mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến khai thác và sử dụng
năng lượng mới và tái tạo; các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm
tài nguyên năng lượng quốc gia; đổi mới thể chế và cơ chế chính sách nhằm hỗ
trợ hiệu quả công tác quản lý, khai thác và sử dụng năng lượng là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Việc đầu tư xây dựng điện hạt nhân đặt ra những
vấn đề về công nghệ, con người và những hệ quả môi trường cần phải có những
tính toán hợp lý.
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, TS, Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thiết thực của các đại biểu, là những gợi mở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, phân tích và đánh giá đúng tình hình hiện nay, tham mưu kịp thời, chính xác, khoa học cho Ban Bí thư trong công tác định hướng, chỉ đạo xây dựng quy hoạch, chiến lược an ninh năng lượng cho phát triển bền vững. Đồng thời, yêu cầu Ban Tổ chức Tọa đàm tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu, hình thành báo cáo chuyên đề trình lãnh đạo Ban, báo cáo Ban Bí thư và có các giải pháp định hướng thông tin tuyên truyền sát với thực tiễn hiện nay./.
PV