Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 25/9/2014 21:8'(GMT+7)

Tọa đàm về bộ tiểu thuyết Đường thời đại

Ngày 25-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức cuộc tọa đàm về  bộ sách Đường thời đại của tác giả Đặng Đình Loan. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm.

Đường thời đại là bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Đặng Đình Loan, viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Bộ tiểu thuyết đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản với 14 tập. Đến cuối năm 2011, tác giả hoàn thành thêm 3 tập và đề nghị được xuất bản ở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, gồm 17 tập.

Với tinh thần trách nhiệm trước lịch sử, trước lòng yêu nước và những hy sinh vô bờ bến của quân và dân ta, nhà văn Đặng Đình Loan –
người đã trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – đã dành hơn 30 năm để viết bộ tiểu thuyết Đường thời đại. Bằng niềm đam mê, sự kiên trì, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn, dồn  hết tâm trí, sức lực, đến nay tác giả đã hoàn thành 17 tập của bộ tiểu thuyết. Trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú, đáng tin cậy, qua hơn 8000 trang sách, tác giả đã tái hiện một cách sinh động, chân thực sự hiếu chiến, âm mưu, thủ đoạn thâm đọc, dã man, tàn bạo của kẻ thù và những năm tháng chiến đấu đầy thử thách, chông gai, gian nan, khổ cực nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam. Qua đó, cho thấy chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta được tạo nên bởi sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên mọi mặt trận. Cán bộ, chiến sỹ, đồng bào cả nước đã không quản gian khổ, hy sinh; đã trí dũng, kiên cường, quyết đánh và quyết thắng, vận dụng thông minh, sáng tạo, đầy hiệu quả đường lối, chính trị quân sự của Đảng; động viên, tổ chức sức lực của toàn dân, toàn quân và bằng mọi hình thức  đấu tranh để tạo nên sức mạnh vô địch, lập nên những chiến công đánh bại đế quốc Mỹ trong các chiến lược: Chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968… Tập 17 của bộ tiểu thuyết đang dừng lại ở những sự kiện lịch sử diễn ra trong đầu năm 1972 với việc chuẩn bị cho chiến dịch xuân hè 1972.

 
 

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đã đề nghị các đại biểu thảo luận, nêu ra giá trị của tác phẩm Đường thời đại, những hạn chế của tác phẩm và làm thế nào để phát huy những giá trị của tác phẩm.

Theo đồng chí Nguyễn An Tiêm (Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương), Đường thời đại là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, có dung lượng lớn về hệ thống tư liệu, sự kiện. Điều đó cũng thể hiện tâm huyết của tác giả. Thông qua tác phẩm, tác giả muốn gửi tới thế hệ mai sau những thông điệp mang tính nhân văn cao, có sức lan tỏa với nhiều thế hệ, đặc biệt là làm rõ bản chất của chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Suốt 17 tập tiểu thuyết, qua hai tuyến nhân vật ta và địch thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, giải thích vì sao nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và được nhân dân thế giới ủng hộ.  Đặc biệt, tác phẩm đã làm rõ chân lý, cuộc cách mạng của Việt Nam chiến thắng là do đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác, sức mạnh của đại đoàn kết của dân tộc, sức mạnh về lý trí và nghị lực. Đó là những bài học truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Tấn Phát, Nguyên chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng cho biết, qua gần 9000 tran sách, có thể khái quát lại Đường thời đại đã thể hiện gần như trọn vẹn những yêu cầu của một bộ tiểu thuyết sử thi – tiểu thuyết lịch sử chiến tranh – một thể loại tiểu thuyết khó nhất trong các loại hình tiểu thuyết. Tác phẩm đã thể hiện đúng nội dung đường thời đại – con đường độc lập, tự do cho các dân tộc, cho quyền sống, quyền tự do, cho danh sự và phẩm giá của mỗi người và mỗi dân tộc, là con đường đấu tranh để giành lại quyền no ấm; hạnh phúc và tương lai cho dân tộc và mỗi con người mà dù thời đại nào, con người vẫn phải đi trên con đường đó.

Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Tấn Phát cũng nhấn mạnh cần làm nổi bật vai trò lãnh đạo điều hành chiến tranh của bộ tham mưu ở cấp cao nhất là yêu cầu khách quan của một bộ tiểu thuyết lịch sử chiến tranh như Đường thời đại, không chỉ với bạn đọc của các thế hệ hôm nay mà còn là yêu cầu lịch sử với các thế hệ mai sau. Đại tá Nguyễn Tấn Phát cũng đề nghị xem xét lại nội dung các tập 4, tập 6, tập 9… để tạo sự hợp lý không gian của các sự kiện lịch sử.

Theo đồng chí Hoàng Phong Hà – Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Đường thời đại đã làm rõ tính ác liệt của cuộc chiến tranh, những hy sinh mất mát, vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự của nhân dân Việt Nam. Nhưng đồng chí Hoàng Phong Hà cũng đề nghị tác phẩm cần khắc họa đầy đủ các tuyến nhân vật của phía ta.

Tác giả Đặng Đình Loan cũng cho biết, những tập tiếp theo của bộ sách viết về những sự kiện lịch sử cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày toàn thắng năm 1975, tác giả đã hoàn thành.
 
Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất