Đây là những nhận định được đưa ra tại hội thảo tham vấn hoàn thiện dự
thảo báo cáo “Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Phân
tích hệ thống pháp luật quốc gia” do Bộ Tư pháp, Cơ quan phòng, chống Ma
tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Cơ quan hợp tác quốc tế
Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 14/7 tại Hà Nội.
Gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em
Trong hơn 20 năm qua, số người quốc tế đi du lịch ngày một tăng, từ 527
triệu người/năm vào năm 1995 đã lên tới hơn 1,1 tỷ người vào năm 2014.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, việc gia tăng số lượng khách du
lịch cũng làm tăng nguy cơ xâm hại đối với trẻ em.
Tại Việt Nam, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đều trong mỗi năm
từ gần 8 triệu người năm 2014 đã lên tới 10 triệu người trong năm 2016.
Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều du khách quốc tế, không những
thế, nhu cầu du lịch nội địa cũng gia tăng nhanh chóng. Điều này đã và
đang đem lại lợi ích to lớn cho Việt Nam về kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và Hành chính (Bộ
Tư pháp) phân tích thêm: “Chính sách sách mở cửa và du lịch phát triển
cũng đem đến nhiều thách thức, trong đó có vấn đề liên quan đến sự gia
tăng tội phạm về tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành.
Thực trạng này đòi hỏi phải có những chính sách pháp luật chặt chẽ để
đảm bảo xử lý nghiêm minh, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi liên quan
tới xâm hại tình dục trẻ em.”
Số trẻ em bị xâm hại tình dục. (Đơn vị: Trẻ em, Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Mặc dù việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN với hy mọng mang lại nhiều
lợi ích về kinh tế, bao gồm cả từ việc di chuyển tự do của khách du
lịch, nhưng điều này cũng có thể dẫn tới sự quá tải với việc đảm bảo
thực thi các quy định pháp luật. Đặc biệt, việc phòng chống, xử phạt
khách du lịch có hành vi xâm hại tình dục trẻ em đang là thách thức.
Ông Christopher Batt, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam cho rằng:
“Ở Việt Nam cũng các nước trong khu vực, bóc lột tình dục trẻ em có mối
liên hệ mật thiết với sự phát triển của ngành du lịch. Những kẻ phạm tội
đang di chuyển xa nhà để có thể xâm hại tới trẻ em dễ bị tổn thương mà
vẫn duy trì được tình trạng ẩn danh trong cộng đồng.”
“Các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em có thể lợi dụng khả năng di
chuyển ngày càng dễ dàng hơn nhờ hội nhập để tăng khả năng tiếp cận với
các trẻ em dễ bị tổn thương. Những đối tượng này thường khai thác kẽ hở
trong luật các biện pháp thực thi luật để không bị phát hiện, do đó
không bi đưa ra công lý,” ông Christopher Batt nhấn mạnh.
[Những quy định chi tiết về bảo vệ quyền trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6]
Luật có nhiều sửa đổi quan trọng
Để thực hiện các cam kết của Việt Nam về tăng cường phòng ngừa, đấu
tranh chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em, chính sách pháp luật của
Việt Nam đã có nhiều sửa đổi quan trọng. Gần đây, các luật có liên quan
trực tiếp đến xử phạt, phòng chống hành vi du lịch tình dục trẻ em đã
được Quốc hội thông qua như: Bộ Luật Hình sự năm 2016, Bộ Luật Tố tụng
hình sự năm 2015 và Luật Trẻ em năm 2016. Những bộ luật này đã củng cố
vững chắc hơn cơ sở pháp lý để đấu tranh chống tội phạm du lịch tình dục
trẻ em.
Trẻ em chia sẻ kiến thức về xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung
nhiều quy định quan trọng nhằm tăng cường khung pháp luật của Việt Nam
về phòng chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em.
“Bộ Luật Hình sự năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua tháng trước đã sửa
đổi tội môi giới mại dâm với tình tiết tăng nặng cho hành vi dụ dỗ, dẫn
dắt trẻ em làm mại dâm. Bộ luật cũng mở rộng định nghĩa hành vi giao
cấu với người từ 13-16 tuổi, quy định hành vi cưỡng dâm với người từ đủ
16-18 tuổi và bổ sung tội phạm mới về sử dụng người dưới 16 tuổi vì mục
đích khiêu dâm,” bà Nguyễn Thị Kim Thoa nói.
Nếu một người thực hiện hành vi mua dâm người dưới 13 tuổi thì họ sẽ bị
xử lý về tội hiếp dâm trẻ em. Đối với hành vì chứa mại dâm và môi giới
mại dâm dưới 13 tuổi cũng bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em với vai trò
người đồng phạm. Bộ Luật Hình sự đã có quy định cụ thể để truy tố đối
tượng phạm tội du lịch tình dục trẻ em.
Bên cạnh những cải cách quan trọng nhằm phòng chống du lịch tình dục trẻ
em, các chuyên gia cho rằng pháp luật Việt Nam còn thiếu quy định về
tội phạm liên quan đến hành vi sở hữu các ấn phẩm khiêu dâm trẻ em. Việt
Nam cũng có thể tăng cường các biện pháp phòng chống bằng việc hình sự
hóa hành vi rủ rê, mồi chài, xây dựng lòng tin nhằm mục đích xâm hại,
bóc lột tình dục trẻ em.
“Các cải cách về luật là trọng tâm trong các nỗ lực nhằm chống lại vấn
nạn du lịch tình dục trẻ em của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta
không được phép tự hài lòng, chừng nào vẫn còn các khoảng trống pháp lý,
các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em sẽ còn tiếp tục thoát khỏi sự
trửng phạt của công lý,” ông Christopher Batt cảnh báo./.
Theo TTXVN