Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 1/1/2015 8:44'(GMT+7)

Tôn vinh "Văn hóa Đông Sơn" - di sản lịch sử của văn hóa Việt Nam

Du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia trống đồng Đông Sơn tại Triển lãm. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia trống đồng Đông Sơn tại Triển lãm. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Văn hóa Đông Sơn (700 TCN - 100) là một nền văn hóa cổ từng tồn tại ở một số tỉnh miền bắc Việt Nam và bắc trung bộ Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà khoa học, nền Văn hóa Đông Sơn là sự phát triển liên tục và kế thừa từ các thời kỳ tiền Đông Sơn trước đó là Văn hóa Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 TCN) đến Văn hóa Đồng Đậu (1.500 - 1.000 TCN) và Văn hóa Gò Mun (1.000 - 600 TCN).

Văn hóa Đông Sơn được phát hiện vào năm 1924, bên bờ sông Mã, thuộc làng Đông Sơn, nằm phía Nam Tp. Thanh Hóa. Trong suốt quá trình hình thành tồn tại và phát triển, văn hóa Đông Sơn đã để lại một kho tàng hiện vật đồ sộ. 

Di sản ấy được cư dân người Việt cổ tạo dựng trên nền tảng sức mạnh nội sinh với những tri thức, kinh nghiệm về đúc đồng, làm thuyền, canh tác nông nghiệp được tích lũy qua ngàn năm.

Đến tham quan phòng trưng bày lớn của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, du khách được chiêm ngưỡng những bảo vật quốc gia như: Thạp đồng Hợp Minh, thạp đồng Đào Thịnh, trống đồng Đông Sơn, kiếm núi Nưa, mộ thuyền Việt Khê, cùng nhiều đồ tùy táng, minh khí quý giá khác... 

Cũng tại đây, du khách còn được chiêm ngưỡng 272 hiện vật, di vật đặc sắc, độc đáo thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn như: lưỡi cày, đục, dùi, lưỡi câu, quả cân, thạp, thố, bình, muôi, bát, đèn hình người quỳ, tượng hươu đỡ đĩa đèn, vòng, khuyên tai, trâm cài đầu, hạt chuôi, khóa thắt lưng... 

Hay như bộ sưu tập vũ khí với nhiều loại hình khác nhau như: rìu chiến, dao găm, giáo, mũi tên, nỏ, kiếm ngắn, hộ tâm phiên…; những bằng chứng cho thấy trong thời kỳ Văn hóa Đông Sơn đã từng phát sinh chiến tranh và xung đột xã hội.

Các hiện vật đặc biệt này đã phần nào cho thấy diện mạo đời sống xã hội của cư dân Đông Sơn từ hơn hai ngàn năm trước. Đặc biệt là nét văn hóa ứng xử của cha ông với người đã khuất qua đồ tùy táng và những quan niệm về vũ trụ của người Việt cổ qua các bảo vật quốc gia như Trống đồng, Thạp đồng.

Ngoài các hiện vật, Triển lãm còn giới thiệu các tài liệu khoa học phụ trợ như bản đồ phân bố các địa điểm Văn hóa Đông Sơn, bảng thống kê, phân loại đồ đồng, đồ gốm, bản vẽ kỹ thuật mặt cắt địa tầng của một số di tích nổi bật…

Triển lãm kéo dài hết tháng 4/2015 để du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng đầy đủ những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam qua nền văn hóa cổ xưa này./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất