Cùng đi với Tổng Bí thư có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Thăm xã nông thôn mới Tân Thuận Tây
Chiều 13/4, ngay sau khi đến Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, làm việc tại xã Tân Thuận Tây, xã vùng ven của thành phố Cao Lãnh, vừa được công nhận xã nông thôn mới cuối năm 2017.
Báo cáo của Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận Tây Lê Thị Mai Trinh cho biết toàn Đảng bộ có 14/14 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Đảng ủy xã chủ trương tăng cường triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở. Xã niêm yết công khai dự toán ngân sách hàng năm, lấy ý kiến quy chế chi tiêu nội bộ trong hội nghị cán bộ, công chức. Đối với lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, xây dựng, tư pháp… xã niêm yết công khai thủ tục hành chính, kiểm tra và cập nhật thông tin thường xuyên. Đảng ủy thực hiện giám sát, nắm bắt thông tin về thái độ phục vụ, giải quyết công việc của cán bộ, công chức thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân, các buổi sinh hoạt hội quán, qua phản ánh của đoàn viên, hội viên.
Lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc sẵn sàng chia sẻ, cung cấp số diện thoại, địa chỉ email cho người dân và giải quyết công việc qua điện thoại, email khi dân cần.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem các loại hoa quả và sản phẩm nông nghiệp tại Tâm Quê Hội Quán, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư hoan nghênh, đánh giá cao cách làm mới, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tân Thuận Tây thời gian qua đã mang lại những kết quả, thành tích đáng ghi nhận.
Năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, thu ngân sách của xã đạt 145%, chi ngân sách là 101%. Đời sống người dân trong xã được cải thiện chủ yếu từ kinh tế vườn, với các loại cây đặc sản như xoài cát chu, xoài tượng da xanh... Cả 4 ấp trong xã đều đạt ấp ăn hóa, có nhà văn hóa khang trang, các tuyến đường chính đều được trồng hoa, cây cảnh hai bên và có hệ thống đèn đường chiếu sáng. Người dân trong xã còn tự hùn tiền, ngày công lao động xây cầu, đường, cổng rào an ninh...
Thực hiện các Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về quản lý trật tự đô thị, quản lý đất công, thực hiện năm văn minh đô thị, xã Tân Thuận Tây đã tiến hành 24 đợt vệ sinh môi trường, phát hoang, làm cỏ, trồng hoa cây cảnh, vận động nhân dân đặt thùng rác xanh- sạch - đẹp. Phong trào chiều thứ 6 hàng tuần dần làm cho các tuyến đường, các trụ sở cơ quan, trường học, khu tưởng niệm… được khang trang, sạch đẹp.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư băn khoăn vì trong xã vẫn còn 81 hộ nghèo (3,03%), 140 hộ cận nghèo (5,24%). Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh, giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và các thành tích đã đạt được.
Tiếp đó, Tổng Bí thư đã đến thăm Tâm Quê Hội quán, một trong 2 hội quán của xã Tân Thuận Tây được thành lập và hoạt động theo mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới. Tháng 3/2018 vừa qua, được nhân dân đồng thuận cao, Tâm Quê Hội Quán đã vận động hội viên thành lập tổ sản xuất xoài theo quy trình hữu cơ, sinh học, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại đây, Tổng Bí thư đã nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Hội Quán, giao lưu với ban chủ nhiệm và các hội viên. Tổng Bí thư đánh giá đây là một mô hình hay, hiệu quả, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần để nhân rộng ra các địa phương khác; căn dặn bà con luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, như lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.”
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cái gì có lợi cho cách mạng, mang lại lợi ích cho dân thì ta ủng hộ;” đồng thời động viên Hội Quán tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, là nơi tập hợp, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và đời sống của bà con nông dân trong xã, qua đó giúp nhau cùng sản xuất, cùng phát triển, xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ ở khu dân cư.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao quà tặng một số hộ nông dân tiêu biểu; đến thăm, tặng quà gia đình thương binh Bùi Hoàng Vũ, 60 tuổi, ở ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây.
Nhiều mô hình hay, sáng kiến mới
Sáng 14/4, làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trên các lĩnh vực, có nhiều mô hình hay, sáng kiến mới cụ thể, thiết thực.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành các Chương trình hành động phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện của tỉnh. Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, công tác điều hành của chính quyền được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về phẩm chất, uy tín của cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)
Triển khai nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức đảng, người đứng đầu, đại biểu các tầng lớp nhân dân trở thành điểm sáng, được phát hiện thông qua các đợt học tập chuyên đề. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố do thấy không có “vùng cấm” trong đấu tranh thống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư. Các vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử với những cán bộ cấp cao trong thời gian qua đã tạo ra hiệu ứng toàn xã hội và trong hệ thống chính trị để tự soi lại bản thân.
Đối với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, Tỉnh ủy đã lãnh đạo triển khai nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, giảm nhiều đầu mối trung gian, từ 137 Ban Chỉ đạo còn lại 48 Ban Chỉ đạo. Đồng thời, Đồng Tháp chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo nhiều kênh thông tin để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy, nhất là những đơn vị nhạy cảm như xây dựng cơ bản, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp có thu… minh bạch hóa các trường hợp phải xử lý các vụ việc sai phạm; công khai hóa các thủ tục hành chính để không dẫn đến tình trạng “tham nhũng vặt” “trên nóng, dưới lạnh.”
Đồng Tháp là một trong những địa phương được chọn thí điểm “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.” Sau 3 năm triển khai theo phương châm “Hợp tác-Liên kết-Thị trường,” “Giảm chi phí-Tăng chất lượng-Chế biến tinh,” nông dân và doanh nghiệp Đồng Tháp đã từng bước chuyển dần tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp,” hướng đến xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản theo yêu cầu của thị trường.
Nhiều mô hình chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh ra đời. Người sản xuất từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Doanh nghiệp và người nông dân ngày càng thấy được hợp tác-liên kết là sự sống còn trong cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, Đồng Tháp đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra, đứng thứ ba về sản lượng lúa, là vùng trọng điểm về hoa quả của khu vực, nhiều loại trái cây như xoài, nhãn… đã xuất khẩu đến nhiều thị trường chất lượng cao, khó tính như: Mỹ, Nhật, Anh, Australia…
Cùng với phát triển nông nghiệp, Đồng Tháp đã tập trung phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và có ý nghĩa cả về mặt xã hội, với phương châm “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương, xứ sở.” Nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, góp phần gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho nông dân…
Đồng Tháp cũng dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu lao động. Với phương châm “Ra đi làm thuê để trở về làm chủ,” hàng ngàn thanh niên đi xuất khẩu lao động, mang về không chỉ hàng ngàn tỷ đồng, mà quan trọng hơn là hấp thu tư duy, kiến thức, kỹ năng làm việc bổ ích; nhiều dự án khởi nghiệp ra đời từ đội ngũ này.
Tại Đồng Tháp, nhiều mô hình mới đã ra đời và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Hội quán” phát huy vai trò tự quản của người dân trong xây dựng nông thôn mới; mô hình “Càphê doanh nhân” với tinh thần đồng hành và chia sẻ giữa chính quyền và doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, kiến tạo ý tưởng phát triển của địa phương. Đến nay, Đồng Tháp có 45 hội quán với khoảng 2000 thành viên. Hội quán là một sáng kiến cộng đồng, kích hoạt sự đổi mới sáng tạo của người nông dân, xây dựng tinh thần tự lực, tự chủ, tự quản của người dân “cùng hợp tác với nhau trong cuộc sống hàng ngày, tiến tới hợp tác với nhau trong sản xuất kinh doanh”.
Tuy nhiên, Đồng Tháp cũng còn nhiều trăn trở trên con đường phía trước; kiến nghị Trung ương sớm đầu tư hoàn chỉnh các công trình giao thông trọng điểm giúp tỉnh thoát khỏi tình trạng khó khăn về giao thông, trong đó có: Dự án kết nối đoạn Cao Lãnh-Mỹ An đấu nối vào tuyến N2, Dự án đường cấp cao An Hữu-Cao Lãnh song hành với quốc lộ 30... Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, chuyển sang kinh tế nông nghiệp hàng hóa…
Thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương Đồng Tháp đã nỗ lực không ngừng để có được cơ đồ như ngày nay. Qua gặp gỡ, làm việc và những gì mắt thấy tai nghe, các ý kiến đánh giá của các cơ quan Trung ương, có thể nhận thấy về cơ bản Đồng Tháp đang phát triển đi lên.
Trăn trở để bứt phá
Tổng Bí thư chia sẻ, Đồng Tháp còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, trong quá trình phát triển đi lên có những khó khăn mới đặt ra, ví dụ như không có dự án lớn đầu tư vào đây. Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý: “không chỉ chạy theo dự án, có dự án có cái mừng nhưng cũng có cái lo, đừng chỉ nghĩ một chiều, đã làm thì phải làm cho chắc.”
Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông nghèo, lại trải qua chiến tranh gian khổ ác liệt. Mong muốn phát triển đi lên không thua kém các tỉnh bạn, rồi nguyện vọng, lợi ích của dân… vừa là động lực, vừa là sức ép. Những băn khoăn, trăn trở của Đồng Tháp cũng chính là mong muốn, động lực để phát triển mạnh hơn nữa. Tổng Bí thư mong muốn Đồng Tháp tiếp tục phát huy tiềm năng, dư địa phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, đi vào công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Tháp mới đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (hơn 50 triệu đồng/người/năm). Điều đó cho thấy Đồng Tháp còn phải vươn lên rất nhiều, không được thỏa mãn.
Tổng Bí thư phân tích những mặt được, những mặt chưa được của Đồng Tháp trong quá trình triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, nhất là về phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là một động lực của nền kinh tế; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế…
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối, sắp tới cần tập trung làm mạnh hơn, đạt kết quả tốt hơn nữa. Đồng thời, tỉnh cần chú trọng công tác quốc phòng an ninh, quan hệ thật tốt với Campuchia, với các địa phương bạn, các xã dọc biên giới, cả ở cấp Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào hai bên qua lại giao lưu, đồng thời làm tốt công tác quản lý dân cư… Đây là lợi ích chiến lược, không chỉ đơn thuần về kinh tế, mà là phên dậu quốc gia.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, sắp xếp tổ chức bộ máy, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Xây dựng chỉnh đốn Đảng, không phải là nhiệm vụ trung tâm, nền tảng, nhưng là nhiệm vụ then chốt, làm tốt công tác xây dựng Đảng thì kinh tế phát triển. “Cán bộ giỏi, bộ máy trơn tru thì kinh tế phát triển tốt, môi trường đầu tư tốt.” Anh em nội bộ đoàn kết, thì sức mạnh của Đảng lên, uy tín của Đảng lên. Tất cả hệ thống cùng vào cuộc, “trên nóng, dưới lạnh” là không được. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên trọng yếu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương, dâng hoa tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Tháp tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Bày tỏ đồng tình ủng hộ các kiến nghị, đề xuất của Đồng Tháp, không chỉ cho tỉnh, mà cho cả vùng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cầu, đường… Tuy còn có những khó khăn, nhưng điều quan trọng là Đồng Tháp có quyết tâm vươn lên và tiềm năng, triển vọng tốt trong giai đoạn sắp tới. Trước mắt, tỉnh cần sơ kết giữa nhiệm kỳ, xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ cụ thể và giải pháp bứt phá trong chặng đường tiếp theo, từ nay đến năm 2020, với tinh thần: “Đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông/Đã quyết là rất một lòng, quê hương vẫy gọi, Đảng mong dân chờ.”
Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ và viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp./.
(TTXVN)