Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 8/10/2018 15:29'(GMT+7)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Cùng dự buổi tiếp xúc cử tri có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của Thành phố và hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Sau khi nghe Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo với cử tri dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội báo cáo trả lời của các bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội đối với các kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri hai quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đã nêu các ý kiến, kiến nghị về những vấn đề quan tâm.

Phấn khởi trước sự thành công của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), ông Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã) cho biết, việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là sáng suốt.

“Ban Chấp hành Trung ương đã tin tưởng giới thiệu đồng chí là người đủ đức, tài, đúng người, đúng việc, xứng đáng vào vị trí rất quan trọng. Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, cùng với toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân xây dựng quốc gia phát triển, văn minh, theo con đường của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn”, ông Lê Đức Hạnh bày tỏ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu với cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: TTXVN)

Cử tri Lê Đức Hạnh cũng cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song so với tình hình tham nhũng lãng phí hiện nay thì việc thu hồi tài sản còn rất khiêm tốn, việc xem xét xử lý các vụ tham nhũng còn rất chậm, đề nghị có giải pháp thu hồi tài sản nhanh, hiệu quả nhất.

“Cử tri tuyệt đối tin tưởng và đồng tình, ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, vì vậy, đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để đem lại nhiều kết quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí”, ông Lê Đức Hạnh nêu ý  kiến.

Ông Hạnh cũng bày tỏ sự tin tưởng vào Trung ương khi lần đầu tiên BCH Trung ương đã cụ thể hóa quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng phải gương mẫu đi đầu.

Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc) dẫn lại sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đến nay, thêm nhiều vụ án lớn được đưa ra, nhiều vụ việc gây bất bình trong dân và trong đời sống xã hội đang dần được phơi bày như vụ Mobifone mua AVG, vụ Vũ nhôm, vụ đánh bạc công nghệ cao.

“Qua nhiều vụ án cho thấy những người thuộc diện quyền to, lương cao, lộc nhiều vẫn tham. Nếu những ông quan tham cứ bòn rút tiền của dân thì biết đến bao giờ mới thoát được cảnh các cháu học sinh phải chui vào túi nylon vượt suối đi học, người dân khi bị bệnh vẫn phải 4-5 người nằm chung một giường...", ông Hoàn nói và mong muốn Đảng, Nhà nước có chế tài nghiêm minh, chặt chẽ, công khai khi đưa cán bộ vào vị trí lãnh đạo.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như việc thừa giáo viên, vấn đề sữa học đường, sách giáo khoa, việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: TTXVN)

Trò chuyện với cử tri, Tổng Bí thư đề cập đến vấn đề mới vừa được Hội nghị Trung ương 8 xem xét về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, mà trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng.

Theo Tổng Bí thư, Đảng đã có nhiều quy định quy chế, như 19 điều đảng viên không được làm, rồi 27 biểu hiện suy thoái... Đó là trách nhiệm chung mọi cán bộ đảng viên phải làm, "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". “Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. 

Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã cân nhắc từng câu từng chữ của Quy định trách nhiệm nêu gương. Theo Tổng Bí thư, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nói thẳng ra là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương Đảng, chứ không nói chung chung, để từng anh phải soi vào.

Đế cập đến chủ trương Trung ương quyết định giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải đây không phải nhất thể hóa mà là tình huốn bởi vừa rồi không may, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đột ngột, nên phải có người làm thay.

Theo Tổng Bí thư, việc này được Trung ương thảo luận dân chủ và có sự thống nhất cao, dư luận trong nước và quốc tế đồng tình ủng hộ.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, hay nói nhất thể hóa cũng không đúng, vì đây là hai cơ chế, hai cơ quan khác nhau. 

“Cá nhân tôi, tôi xin trân trọng cảm ơn và tùy thuộc vào Quốc hội bầu”, Tổng Bí thư chia sẻ cởi mở.

Trước đó ít phút, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chia sẻ thêm với cử tri việc Trung ương nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, đây không phải vấn đề mới, mà cách đây 20 năm Đảng ta đã đặt ra rồi. Đến nay đã hội đủ điều kiện khách quan, thực tiễn đòi hỏi, phù hợp với quá trình cải cách thể chế của đất nước.

“Điều này có lợi cho Đảng, cho đất nước, trong quá trình chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là có lợi cho quá trình đối ngoại của nước ta”, ông Nguyễn Đức Chung nói./.

(VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất