Tham dự Hội nghị, về phía Liên hiệp Công đoàn Lào có các đồng chí: Aly Vông Nor Bun Tham - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào; Ali nha vanh Ác kha vông - Phó Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào. Cùng dự có đồng chí Chanhthaphone khammanichanh - Phó Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.
Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam có các đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Thái Thu Xương; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trường Đại học Công đoàn, Công đoàn ngành Công Thương, LĐLĐ thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
Hai bên luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau
Báo cáo sơ kết đánh giá quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào giai đoạn 2018 - 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, Công đoàn Việt Nam và Công đoàn Lào đã thiết lập quan hệ song phương ngay từ ngày đầu tiên Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào được thành lập (1/2/1956). Sau 66 năm, mối quan hệ gắn bó đặc biệt đó ngày càng được gìn giữ, xây dựng và vun đắp. Công đoàn hai nước luôn dành cho nhau sự hợp tác toàn diện, kề vai sát cánh trong mọi chặng đường phát triển của phong trào Công đoàn mỗi nước.
Xuất phát từ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, nhằm duy trì và làm sâu sắc thêm sự hợp tác toàn diện giữa công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn hai nước Việt Nam - Lào, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2013-2018 và 2018-2023 với một số điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế của Công đoàn hai nước.
Hai bên đã bám sát vào nội dung Thỏa thuận để triển khai các hoạt động hợp tác. Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đã phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn cho 75 lượt cán bộ, chuyên viên của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào sang nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn chuyên đề tại Việt Nam.
Giai đoạn 2018-2021, Trường Đại học Công đoàn tiếp nhận 71 học viên Lào, trong đó có 29 lưu học sinh trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác liên Chính phủ Việt - Lào, 42 cán bộ Công đoàn Lào theo Thỏa thuận hợp tác giữa công đoàn hai nước. Dự kiến trong năm 2022, Trường Đại học Công đoàn sẽ tiếp nhận đào tạo 5 cử nhân, 4 thạc sĩ và 1 tiến sĩ.
Cùng với đó là đào tạo ngắn hạn cho 45 học viên theo Hiệp định hợp tác liên chính phủ Việt - Lào trong các năm 2018, 2019 và 2020; tiếp nhận 5 cán bộ của Viện Phát triển Công đoàn Lào sang trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, chương trình giảng dạy và biên soạn tài liệu, phục vụ cho việc mở ngành Bảo hộ lao động, hệ cao đẳng tại Viện Phát triển Công đoàn Lào.
Bên cạnh đó, một số LĐLĐ tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Nam, Sơn La cũng tổ chức tập huấn cho các tỉnh, thành phố trung ương có ký kết song phương như Luông Pha-bang, Viêng Chăn, Xê-kông...
Hoạt động hợp tác đào tạo giữa Công đoàn hai nước đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ Công đoàn Lào và xây dựng tổ chức Công đoàn Lào vững mạnh. Những cán bộ Công đoàn Lào được đào tạo tại Việt Nam cũng là nòng cốt để duy trì và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai tổ chức.
Sự phối hợp giữa Công đoàn Việt Nam đối với Công đoàn Lào trong lĩnh vực đào tạo đã cung cấp một nguồn cán bộ có chất lượng cho Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, góp phần vào việc xây dựng tổ chức Công đoàn Lào vững mạnh. Thực tế cho thấy, các cán bộ công đoàn sau khi đào tạo tại Việt Nam đều được đánh giá cao về hình thức, kỹ năng, phương pháp công tác và được phân công đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng không chỉ trong hệ thống công đoàn mà còn trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở Lào. Những cán bộ này khi về nước đã triển khai hiệu quả công tác chuyên môn lĩnh vực phụ trách. Ngoài việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công tác chuyên môn công đoàn, việc tổ chức các lớp đào tạo đã tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn Lào thăm Việt Nam, tìm hiểu sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam, góp phần thắt chặt tình đoàn kết vốn có trong quan hệ đặc biệt của hai dân tộc, hai đất nước Việt - Lào.
Việc trao đổi đoàn hằng năm cũng như hội đàm trực tuyến đã góp phần duy trì, củng cố, thắt chặt quan hệ giữa hai tổ chức, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước. Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho các cấp Công đoàn Việt Nam xây dựng và phát triển quan hệ với các Công đoàn tương ứng của Lào. Hiện nay, 5 Công đoàn ngành, 2 đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam và 15 LĐLĐ tỉnh, thành phố trung ương của Việt Nam có quan hệ song phương với các Công đoàn tương ứng của Lào, trong đó các tỉnh giáp biên đều đã thiết lập quan hệ.
Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, mặc dù có gần 3 năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đón 6 đoàn Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào với 76 lượt người vào thăm và làm việc tại Việt Nam. Các đơn vị trực thuộc đón 3 đoàn Công đoàn Lào với 15 lượt người sang thăm và làm việc tại Việt Nam đồng thời cử 3 đoàn với 14 lượt người sang và làm việc tại Lào.
Các Công đoàn ngành và LĐLĐ các tỉnh, thành phố của Việt Nam có kết nghĩa với các tỉnh của Lào cũng đón 12 đoàn Liên hiệp Công đoàn Lào với 154 lượt người sang thăm và làm việc tại Việt Nam; cử 16 đoàn với 91 lượt người sang thăm và làm việc tại Lào. Các hoạt động đối ngoại trên tại các địa phương đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trên tinh thần xây dựng mối quan hệ thân tình, chân thành, hữu nghị anh em với các cán bộ Công đoàn Lào, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các tỉnh giáp biên xây dựng được đường biên giới an toàn, người dân hai bên an tâm làm ăn xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Công đoàn Việt Nam luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với Công đoàn Lào và làm hết sức mình vì tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Công đoàn hai nước. Thời gian tới, hai bên tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực theo đúng tinh thần, mục tiêu mà Thỏa thuận hợp tác đã đề ra, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị đi vào chiều sâu, bền vững, hiệu quả.
Tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Phát triển Công đoàn Lào và Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phát biểu tham luận, làm rõ thêm kết quả hợp tác đào tạo giữa Viện Phát triển Công đoàn Lào và Trường Đại học Công đoàn; và kết quả hợp tác giữa Công đoàn Công Thương Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào.
Đề nghị tiếp tục ký biên bản hợp tác giữa tổ chức công đoàn 2 nước
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Aly Vông Nor Bun Tham - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào bày tỏ vui mừng tham dự Hội nghị sơ kết tại Thủ đô Hà Nội, trong bầu không khí 2 Đảng, 2 Nhà nước cũng như nhân dân 2 nước long trọng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào.
Khẳng định tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nhà nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”, đồng chí Aly Vông Nor Bun Tham nhấn mạnh: hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào ngày càng tăng cường, đi vào chiều sâu, tích cực hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như trao đổi đoàn cấp cao, diễn đàn đa phương và quốc tế; tập huấn chuyên đề và trao đổi thông tin từ cấp trung ương, ngành, địa phương….
Theo Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, 3 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng hoạt động hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai tổ chức vẫn diễn ra thường xuyên. Hai tổ chức Công đoàn Lào - Việt Nam vẫn thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác, tăng cường mối quan hệ hợp tác, tình đoàn kết, tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau trên diễn đàn quốc tế. giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức, hiểu sâu sắc về quan hệ hữu nghị, truyền thống của 2 nước.
Năm 2023 là năm cuối cùng thực hiện Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa tổ chức Công đoàn 2 nước, Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đề nghị: Tiếp tục có những chuyến thăm trao đổi cấp cao giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào; tiếp tục thúc đẩy trao đổi các đoàn đại biểu, chuyên viên giữa các ban, các ngành để trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ Công đoàn trẻ 2 nước để hiểu, giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai nước và hai tổ chức; tiếp tục ký biên bản hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào giai đoạn 2023 - 2028.
Thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt của hai nước Lào - Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển và trở thành mối quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới.
Cùng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào cũng ngày càng được củng cố. Công đoàn Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam. Hiện nay, 5 công đoàn ngành Trung ương, 2 đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn và 15 LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam đã có quan hệ song phương với các Công đoàn tương ứng của Lào, trong đó các tỉnh giáp biên đều đã thiết lập quan hệ.
“Chúng tôi hết sức vui mừng về sự phát triển ngày càng tốt đẹp trong mối quan hệ giữa phong trào Công đoàn hai nước trong những năm vừa qua. Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác anh em đó là nguồn động lực, động viên phong trào Công đoàn mỗi nước thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang bày tỏ.
Năm 2023 là năm kết thúc giai đoạn 5 năm của Thỏa thuận Hợp tác giữa Công đoàn hai nước, để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai tổ chức đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn; đồng thời xây dựng chiến lược tổng thể về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn Lào dựa trên khả năng, điều kiện thực tiễn của Công đoàn Việt Nam và nhu cầu từ phía Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào.
Cùng với đó là tiếp tục tạo điều kiện và thúc đẩy Công đoàn các cấp hai nước tăng cường và phát triển quan hệ, phối hợp hoạt động, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ cán bộ công đoàn, đoàn viên trẻ mỗi nước, những người sẽ viết tiếp trang sử hào hùng của hai dân tộc, hiểu được tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt là tài sản vô giá mà mỗi chúng ta có trách nhiệm duy trì, bảo vệ và phát huy.
“Trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018-2023, Ban Đối ngoại của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào nghiên cứu tham mưu các nội dung, điều khoản đưa vào Thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn hai nước giai đoạn 2023-2028” – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định.
Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Công đoàn Lào cho 13 cá nhân đã có đóng góp vào hợp tác, giúp đỡ công đoàn Lào thời gian qua, đặc biệt là công tác đào tạo dài hạn và ngắn hạn.
Nhân dịp này, phía Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho đồng chí Aly Vongnorbountham, Chủ tịch Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào; Huy chương Hữu nghị cho đồng chí Alinhavanh Ăckhavong, Phó Chủ tịch – Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Công đoàn Việt Nam cho 3 cá nhân tiêu biểu của Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào./.
Tuấn Đạt