Số mắc bệnh COVID-19 trên toàn châu Âu tiếp tục tăng với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại "Lục địa Già" đã lên tới gần 400.000 người, trong đó Italy vượt 100.000 ca.
Theo số liệu tổng hợp của worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 31/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 784.381 ca mắc COVID-19, trong đó có 37.780 ca tử vong.
Số mắc bệnh COVID-19 trên toàn châu Âu tiếp tục tăng với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại "Lục địa Già" đã lên tới gần 400.000 người, trong đó Italy đứng đầu với số ca nhiễm vượt 100.000 người trong ngày 30/3.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch COVID-19 tại châu Âu, Italy ghi nhận tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên tới 101.739 người, trong đó số ca tử vong đã tăng lên con số 11.591 ca. Như vậy, hiện Italy chỉ đứng sau Mỹ về số bệnh nhân nhiễm virus nguy hiểm này.
Điều đáng chú ý, cũng trong ngày 31/3, Italy thông báo số bệnh nhân COVID-19 bình phục tăng cao nhất trong 1 ngày, tăng thêm 1.590 ca trong 24 giờ, lên 14.620 ca đến nay.
Tại Lombardy - tâm dịch ở Italy, số ca nhiễm mới bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Cụ thể, trong ngày 30/3, địa phương này ghi nhận ca nhiễm mới là 1.154 ca, trong khi con số của ngày trước đó là 1.592 ca.
Cũng trong ngày 30/3, Bộ Y tế Italy thông báo lệnh phong tỏa trên cả nước được thực hiện từ ngày 10/3 sẽ tiếp tục kéo dài đến ít nhất ngày 12/4, tức thêm 9 ngày so với kế hoạch ban đầu.
Sau Italy, Tây Ban Nha hiện là quốc gia chịu tác động lớn thứ 2 của đại dịch COVID-19 ở châu Âu với số ca nhiễm là hơn 85.000 ca, cao hơn cả Trung Quốc - nơi khởi phát và từng là điểm nóng của đại dịch này.
Với 6.549 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha đã lên tới 85.195 ca. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia châu Âu này đã vượt Trung Quốc về số mắc COVID-19.
Cũng trong 24 giờ này, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 812 ca tử vong, thấp hơn con số tử vong của hai ngày trước đó (838 ca trong ngày 29/3 và 832 ca trong ngày 28/3).
Tuy nhiên, dấu hiệu khả quan hơn là số ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha đang giảm dần so với con số các ca nhiễm trong ngày 29/3 (8.189 ca) và ngày 28/3 (7.871 ca).
Trong ngày 30/3, Chính phủ Tây Ban Nha lần đầu tiên thông qua sắc lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước, trừ các hoạt động kinh tế thiết yếu cho đến ngày 9/4.
Tại Đức, quốc gia chịu tác động của COVID-19 lớn thứ 3 tại châu Âu, ghi nhận tổng cộng 57.298 ca tính đến hết ngày 30/3. So với một tuần trước đó, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng gấp 2 lần.
Hội đồng Chuyên gia kinh tế Đức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể ở mức âm 2,8% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng Pháp đã ghi nhận tổng cộng 40.174 ca có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 2.606 ca tử vong. Tại Anh, số ca nhiễm đã vượt mốc 20.000 ca, lên 22.141 ca.
Với tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 là 15.475 ca, Thụy Sĩ - một trong những điểm đến du lịch thu hút đông đảo du khách của thế giới, có thể tổn thất 6,4 tỷ Franc Thụy Sĩ (6,67 tỷ USD) doanh thu du lịch trong năm 2020. Hiện chính phủ nước này đã công bố gói hỗ trợ kinh tế lên tới 42 triệu Franc Thụy Sĩ trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại châu lục này, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố hướng dẫn cho phép việc đi lại tự do của lực lượng lao động lưu động trong lãnh thổ EU là những người hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ đối phó với dịch bệnh hiện nay, để đảm bảo họ có thể đến được nơi làm việc.
Theo đó, những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cung cấp thực phẩm và các dịch vụ như trông trẻ, chăm sóc người cao tuổi và những nhân viên trong các ngành sản xuất hàng hóa thiết yếu được xác định thuộc nhóm đối tượng nói trên.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU hiện có 1,5 triệu người sống ở một nước, song làm việc tại một nước khác, mà nhiều người trong số đó đang trực tiếp tham gia cuộc chiến chống đại dịch hiện nay./.
Theo TTXVN