Chỉ thị trên được đưa ra một ngày sau khi nhà lãnh đại Triều Tiên Kim
Jong-un tuyên bố "để ngỏ cánh cửa đối thoại" với Seoul và thảo luận để
các vận động viên của Triều Tiên tham gia Olympic Pyeongchang.
Tổng thống Hàn Quốc đã hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên,
coi đây là sự phản ứng của Bình Nhưỡng đối với đề xuất mà ông Moon
Jae-in đưa ra về biến Olympic Pyeongchang thành cơ hội đột phá để cải
thiện quan hệ liên Triều và thiết lập hòa bình trong khu vực. Trước đó,
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc tuyên bố Seoul sẵn sàng đối thoại với
Triều Tiên "vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, và dưới bất cứ hình thức
nào."
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ
liên Triều cần gắn liền với nỗ lực giải quyết vấn đề liên quan đến
chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Vòng đối thoại liên chính phủ giữa 2 miền Triều Tiên gần đây nhất diễn
ra tháng 12/2015. Sau khi nhậm chức tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Hàn
Quốc Moon Jae-in đã đề xuất tiến hành đàm phán quân sự và đối thoại Hội
Chữ thập Đỏ, song không nhận được hồi âm từ phía Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đang cân nhắc "một cách thận
trọng" thời điểm tiến hành các cuộc đối thoại với Triều Tiên và đang
tham vấn các cơ quan hữu quan của chính phủ. Một quan chức phụ trách
liên lạc của Hàn Quốc tại làng đình chiến Panmunjom (Pan-mun-chơm) đã
gọi điện qua đường dây nóng cho phía Triều Tiên sáng cùng ngày, song
phía Triều Tiên chưa nhận điện thoại. Bộ trên cho biết sẽ tiếp tục liên
hệ để lên kế hoạch cho các cuộc tiếp xúc.
Trước đây, hai miền Triều Tiên vẫn thường liên hệ qua đường dây nóng 2
lần/ngày để duy trì các kênh thông tin liên Triều. Tuy nhiên, kể từ
Seoul đóng cửa tổ hợp công nghiệp chung Kaesong hồi tháng 2/2016, phía
Triều Tiên đã không hồi đáp các cuộc điện thoại nhằm phản đối quyết định
này./.
Theo TTXVN