Thứ Sáu, 29/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 7/12/2013 21:55'(GMT+7)

"TP.HCM cần gắn tăng trưởng với ổn định kinh tế vĩ mô"

Sáng 7/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014-2015.

Tại buổi làm việc, sau khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân báo cáo về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội năm 2011-2013 và phương hướng nhiệm vụ đến 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô với cách làm sáng tạo, đặc biệt trong kiểm soát giá cả, kéo giảm thấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cả nước là mô hình tốt vừa có lợi cho dân, vừa có lợi cho đất nước.

Chương trình bình ổn giá chuyển từ hỗ trợ trực tiếp lãi suất sang gắn doanh nghiệp với ngân hàng là mô hình góp phần ổn định giá cả của thành phố. Tỷ giá, giá vàng, lãi suất, lạm phát… ở thành phố cũng được kiểm soát tốt, trong đó riêng tỷ giá nếu như năm 2008-2009 tình hình hết sức phức tạp nhưng chỉ trong thời gian ngắn thành phố đã ổn định được. 

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết quả bước đầu; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tốt hơn; thu nhập đầu người, giáo dục, y tế, việc làm… được cải thiện rõ rệt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014-2015, Thành phố Hồ Chí Minh cần ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tiếp tục kiểm soát lạm phát (không để quá thấp hoặc quá cao, khoảng 7%) và giữ ổn định trong hai năm; ổn định tỷ giá, thị trường vàng, bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam. 

Đặc biệt, chương trình bình ổn giá của thành phố có ý nghĩa quan trọng với khu vực nên cần tiếp tục thực hiện tốt; an toàn hệ thống ngân hàng, thanh khoản phải cố gắng nhiều hơn nữa. 

Thủ tướng chỉ rõ thành phố cần tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP theo hướng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu; chuyển năng suất, hiệu quả, giá trị gia tăng các ngành công, nông nghiệp theo hướng từ thấp sang cao. Để làm được điều này, thành phố phải tái cơ cấu các ngành, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn và ứng dụng công nghệ cao vào cả công nghiệp, nông nghiệp.

Đánh giá về cơ hội của thành phố trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2014 kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn 2013, kinh tế trong nước cũng có xu hướng phục hồi, ổn định vĩ mô, lạm phát, tỷ giá ổn định cũng sẽ là thuận lợi để tăng trưởng kinh tế, cộng với ổn định chính trị xã hội sẽ là cơ hội cho thành phố tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tốt lên. 

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đạt được mục tiêu, nhiệm vụ Đảng bộ thành phố đề ra, từ đó thực hiện tốt vai trò đầu tàu về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực và cả nước.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân cho biết giai đoạn 2011-2013, bình quân tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố đã tăng 9,6%, tăng gấp 1,74 lần so với cả nước (cả nước tăng 5,6%/năm); GDP bình quân đầu người đạt 4.513 USD/người vào cuối năm 2013, cao hơn 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ (cuối năm 2010 là 3.199 USD/người).

Trong ba năm, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố như: tài chính-ngân hàng-bảo hiểm, du lịch, bưu chính-viễn thông, vận tải-cảng-kho bãi, khoa học-công nghệ, giáo dục và y tế. 

Tốc độ tăng bình quân của ngành dịch vụ trong giai đoạn 2011-2013 là 11,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.606.689 tỷ đồng, tăng bình quân 17,6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt với mức tăng bình quân 6,9%/năm, thấp hơn bình quân cả nước (9,15%).

Liên quan đến các vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống người dân thành phố, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch đạt 89%, tương ứng gần 1,376 triệu hộ dân, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,2%. Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành mục tiêu xóa, giảm những điểm ngập hiện hữu do mưa vùng trung tâm và vùng ngoại vi. Tuy nhiên, việc khống chế tình hình trạng tái ngập, phát sinh điểm ngập mới vẫn còn thiếu tính bền vững. Số điểm ngập đầu kỳ 2011 là 58 điểm, đến đầu năm 2013 còn 18 điểm ngập, dự ước cả năm xóa được 7/18 điểm ngập hiện hữu do mưa…

Từ kết quả đạt được của 3 năm qua, thành phố đã xây dựng 16 chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 2014-2015 và có các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 10,5-11% năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành dịch vụ bình quân 12-12,5%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp bình quân 8,5-9%; tốc độ tăng trưởng giá trị của ngành nông nghiệp bình quân 5%/năm.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo Tết Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn. 

Cụ thể về hàng hóa, do nhu cầu Tết Giáp Ngọ dự báo tăng khoảng 20% so với Tết Quý Tỵ, nên tổng giá trị hàng hóa các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ là 7.581,7 tỷ đồng, tăng 40% so với Tết Quý Tỵ, trong đó tổng giá trị hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 62% so với Tết Quý Tỵ. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của Chương trình bình ổn thị trường được phân phối thông qua 3.281 điểm bán, tăng 3.033 điểm bán so với năm 2008.

Thành phố cũng tăng cường công tác quản lý thị trường, cung, cầu hàng hóa tiêu dùng trước, trong và sau Tết; chú trọng thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân và các căn cứ vùng kháng chiến. Bên cạnh đó, thành phố hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch trả lương, trả thưởng và chăm lo phúc lợi cuối năm cho người lao động.

Đặc biệt, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết Giáp Ngọ, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố mở các đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội; bố trí lực lượng tuần tra bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng trên địa bàn; ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn đua xe trái phép, cờ bạc, ma túy, mại dâm, ma túy; tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ các mục tiêu quan trọng và kiểm tra công tác quản lý các vũ khí, vật liệu nổ trong cơ quan, doanh nghiệp./.

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất