(TG) - Ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử đoàn hỗ trợ tỉnh về nguồn nhân lực, vật tư y tế, sinh phẩm, oxy, túi thuốc, giường bệnh, vaccine và thuốc đặc trị COVID-19
Chiều 17/10, Đoàn công tác của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh do ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Sóc Trăng.
Tiếp đoàn có ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, theo đó, lũy kế từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên tại cộng đồng đến nay, toàn tỉnh có 3.338 ca mắc COVID-19, trong đó, đã có 1.331 ca điều trị khỏi và cho xuất viện, còn 1.980 trường hợp đang điều trị, đã có 27 ca tử vong có liên quan đến các bệnh lý nền.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã ban hành quyết định thiết lập 66 vùng/khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó 50 khu vực đã kết thúc thời gian cách ly, còn 16 khu vực đang cách ly y tế.
Tỉnh Sóc Trăng cũng đã thành lập 309 cơ sở cách ly y tế tập trung với khả năng tiếp nhận khoảng 28.000 người và đang cách ly tập trung trên 15.700 người.
Toàn tỉnh hiện có 28 cơ sở thu dung, điều trị F0 với tổng số 2.347 gường bệnh, trong đó, tuyến tỉnh có 720 giường bệnh; tuyến huyện có 1.627 giường bệnh và thành lập thêm 03 bệnh viên dã chiến với tổng số 1.000 giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh COVID-19 toàn tỉnh lên 3.347 giường.
Sóc Trăng cũng đã tiếp nhận 741.720 liều vaccine và triển khai 5 đợt tiêm cho tổng số 589.374 người. Số lượng người dân được tiêm ít nhất 1 mũi trên tổng số dân trên 18 tuổi đạt 63,68%, tuy nhiên, tỷ lệ người được tiêm 2 mũi mới đạt 5%.
Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được thực hiện với nhiều hình thức, kịp thời, nhanh chóng, lan tỏa trên diện rộng, đúng định hướng và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Từ đó đã huy động được sự tham gia tích cực của mọi người dân vào công tác phòng chống dịch, nâng cao ý thức chấp hành các quy định.
Gần nhất là Quyết định số 2750/QĐ-UBND ngày 16/10/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo từng cấp độ dịch áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo báo cáo từ các địa phương trong tỉnh, từ ngày 22/9/2021 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận trên 43.000 người dân tự phát về quê từ các tỉnh, thành phố. Các cơ sở cách ly chủ yếu là trưng dụng các trường học nên không đảm bảo các điều kiện theo quy định, nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly khá cao.
Mặt khác, những người được cách ly tại nhà nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Nhân lực y tế chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch ở cấp độ cao, năng lực điều trị F0 tại tuyến huyện còn hạn chế, tỷ lệ tái dương tính sau khi xuất viện điều trị chiếm tỷ lệ khá cao (6,35%), trong đó có trường hợp tái dương tính với chỉ số CT rất thấp (<10), việc chỉ định sử dụng thuốc kháng vi rút còn lúng túng, chưa có hướng dẫn cụ thể. Trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm... chưa đáp ứng yêu cầu.
Trước tình hình đó, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh quan tâm hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị y tế và hỗ trợ vaccine để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đến tỉnh Sóc Trăng, cũng như phương án hỗ trợ điều trị, xét nghiệm, sàng lọc F0 trong cộng đồng...
Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong công tác điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, điều quan trọng nhất là phải cung cấp đầy đủ oxy cho bệnh nhân; phải có bình oxy nhỏ và hệ thống cấp cứu nhanh đến nhà; phải thành lập đội phản ứng nhanh và tập huấn, trang bị đồ bảo hộ để họ kết hợp với trạm y tế, cơ sở y tế kịp thời giúp đỡ bệnh nhân trong điều trị COVID-19.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng phải tập trung lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ mới phát huy hiệu quả tốt nhất; hạn chế cách ly tập trung vì sẽ dễ bị nhiễm chéo mà nên tạo điều kiện cho F1 cách ly tại nhà... Để tránh lây lan trong cộng đồng thì tỉnh cũng nên khoanh vùng, xét nghiệm nhanh nơi xảy ra dịch.
Chia sẻ trước những khó khăn của tỉnh Sóc Trăng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử đoàn hỗ trợ tỉnh về nguồn nhân lực, vật tư y tế, sinh phẩm, oxy, túi thuốc, giường bệnh, vaccine và thuốc đặc trị COVID-19; đồng thời, cử đoàn y bác sỹ hỗ trợ khảo sát, đánh giá trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thông tin với đoàn về công tác phòng, chống dịch của tỉnh và những kế hoạch, mục tiêu trong việc phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.”
Theo ông Lâm Văn Mẫn, công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã đi đúng hướng, rất tập trung và hiệu quả. Tỉnh đã thực hiện đạt 4 mục tiêu: ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của toàn dân được nâng lên; khống chế, không để dịch bệnh lây lan; giảm số ca mắc, số ca tử vong; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi.
Với kết quả đó, từ ngày 16/9, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái “bình thường mới”. Sóc Trăng trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực bước vào trạng thái "bình thường mới."
Sóc Trăng đã đạt kết quả rất tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất ổn định.
Tỉnh đã phục hồi sản xuất được trên 80% so với thời điểm trước khi có dịch; các doanh nghiệp trong tỉnh phục hồi sản xuất gần như 100%, có doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong 9 tháng qua đã gần đạt kế hoạch cả năm, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như: sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu... đều đạt trên 90% kế hoạch năm 2021.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, đã cảm ơn đoàn công tác và những chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là sự hỗ trợ nhân lực, vật tư, trang thiết bị y tế sẽ giúp cho tỉnh thực hiện được tốt hơn, hiệu quả hơn công tác phòng, chống và điều trị bệnh trong thời gian tới; qua đó, góp phần cho tỉnh Sóc Trăng sớm khống chế được dịch, ổn định đời sống, kinh tế và sản xuất của người dân./.
Thiên Phong