Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 30/8/2018 8:39'(GMT+7)

TP.HCM dồn tổng lực cho mục tiêu 90-90-90 trong kiểm soát HIV/AIDS

Khởi động dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Khởi động dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Nhưng dù đã đưa ra nhiều chiến dịch “tổng lực” song Thành phố vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố phát hiện 2.430 thêm trường hợp nhiễm HIV, tăng 732 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. 

Đây là con số khiến nhiều người bất an và lo lắng. Anh Nguyễn Văn H., đang điều trị HIV tại Quận 8 cho biết, hơn một năm qua anh có nghe thông tin về việc cắt giảm tài trợ trong điều trị HIV nên khi biết số lượng người nhiễm HIV liên tục gia tăng anh không khỏi lo lắng. 

Theo anh H., khi càng có nhiều người nhiễm thì nguồn tài trợ sẵn có càng nhanh chóng cạn kiệt, trong khi nguồn tài trợ mới chưa biết có hay không, và lúc đó bản thân anh và nhiều người nhiễm khác sẽ bắt buộc phải mua thẻ Bảo hiểm y tế để được tiếp tục điều trị. 

“Điều kiện gia đình tôi khó khăn, nhà lại đông người mà mỗi năm phải bỏ tiền mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì vượt quá khả năng. Lúc đó không biết có tiếp tục điều trị được không hay đứt đoạn giữa chừng,” anh Nguyễn Văn H. băn khoăn. 

Còn chị Lê Thu Ba, trú tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh lại lo ngại về việc gia tăng người nhiễm HIV trên địa bàn.

Chị cho hay: "Tôi thấy Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống, ý thức của người dân cũng đã tăng lên đáng kể nhưng không hiểu sao số lượng người nhiễm HIV ngày càng nhiều lên như vậy."

Bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với việc phát hiện thêm hơn 2.000 người nhiễm HIV trong 6 tháng đầu năm 2018 thì đây không phải là sự gia tăng đột biến bởi trung bình mỗi năm Thành phố phát hiện thêm từ 3.000-4.000 người nhiễm HIV.

Và những người này không phải mới nhiễm HIV mà là những người đã mắc bệnh từ lâu nhưng chưa được phát hiện. 

“Sở dĩ, số người nhiễm HIV gia tăng đáng kể là bởi thành phố đang tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh việc tư vấn, xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm dồn “tổng lực” để đạt được mục tiêu 90 đầu tiên - 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình,” bà Tiêu Thị Thu Vân nhận định. 

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, ước tính toàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 40.000 nhiễm HIV, ngoài ra vẫn còn khoảng 10.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện do các đơn vị phụ trách phòng chống HIV/AIDS chưa thể tiếp cận được. 

Do đó, để Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 30 thành phố trên thế giới đầu tiên đạt mục tiêu 90-90-90, Tổ chức PEPFAR (tên gọi tắt của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp được Tổng thống Hoa kỳ George W. Bush khởi xướng từ 2003) đã đẩy mạnh thêm nguồn tài trợ để Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng đạt được mục tiêu này. 

Nguồn lực tài trợ được sử dụng để các đồng đẳng viên, cộng tác viên tiếp cận các nhóm nguy cơ cao như mại dâm, ma túy, đặc biệt nhóm đồng tính nam, mua test nhanh, thúc đẩy xét nghiệm, theo dấu người nhiễm, giám sát để họ tuân thủ điều trị… 

“Việc phát hiện thêm người nhiễm HIV và đưa họ vào các chương trình điều trị vô cùng quan trọng và có ý nghĩa bởi những người nhiễm bệnh nhưng không biết mình mắc bệnh là đối tượng nguy cơ cao lây truyền cho người khác. Đây là nhóm người khá khó tiếp cận nhưng chúng ta đã tiếp cận được và tìm ra họ, nghĩa là đã cắt được nguồn lây cho xã hội,” bà Tiêu Thị Thu Vân khẳng định. Bà Vân hy vọng, với việc phát hiện thêm người nhiễm sẽ giúp kéo giảm được nguồn lây lan bệnh trong cộng đồng. 

[Thử nghiệm thành công giai đoạn đầu vắcxin mới phòng HIV/AIDS]

Mục tiêu 90-90-90: Vẫn còn nhiều thách thức 

Để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh liên tục có những giải pháp tích cực nhằm tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết cho người dân, mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. 

Ngoài ra, các bệnh viện, trung tâm y tế địa phương cũng đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện người nhiễm HIV khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. 

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố đã tiến hành xét nghiệm cho gần 287.000 trường hợp và 95% số người dương tính được chuyển gửi đến các Phòng khám ngoại trú để điều trị HIV/AIDS. 

Theo bà Tiêu Thị Thu Vân, thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính để đẩy nhanh tiến độ đạt được mục tiêu 90-90-90. Cụ thể là nâng cao nhận thức của nhân dân về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và lợi ích của việc xét nghiệm HIV. 

Bên cạnh đó, tuyên truyền nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. 

Đồng thời với mở rộng phạm vi xét nghiệm HIV sớm, thành phố cũng sẽ nâng cao chất lượng của dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nhằm đảm bảo người nhiễm sẽ có cơ hội tốt nhất để phát hiện, điều trị ổn định. 

Song bà Vân cũng lo ngại trong bối cảnh các nguồn lực tài trợ quốc tế có xu hướng giảm đi thì việc phát hiện, kiểm soát người nhiễm HIV trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị “chững” lại. 

Trước đây, ngoài tài trợ kỹ thuật, thuốc, các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ cho Việt Nam chi phí để phát triển hệ thống đồng đẳng viên, cộng tác viên cộng đồng. 

Đây chính là nhân tố thúc đẩy việc phát hiện người nhiễm HIV và động viên họ tuân thủ điều trị vô cùng hiệu quả.

“Nếu không có lực lượng này thì con đường đi đến mục tiêu 90-90-90 chắc chắn sẽ lâu và xa hơn,” bà Tiêu Thị Thu Vân nhận định. 

Một vấn đề đáng lo ngại trong công tác phòng chống HIV/AIDS là việc chuyển điều trị ARV sang Bảo hiểm y tế. 

Dự kiến, từ 1/1/2019, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tiến hành điều trị cho người nhiễm HIV thông qua Bảo hiểm y tế. 

Tuy nhiên, đến thời điểm vẫn còn khoảng 10% người nhiễm chưa có thẻ Bảo hiểm y tế, đó là những người nghèo, những người không có giấy tờ tùy thân. Hiện thành phố đang nỗ lực tìm phương án giải quyết, nếu không tìm được nguồn tài trợ thì Thành phố buộc phải trích ngân sách để mua thẻ Bảo hiểm y tế cho những người này. 

Một điểm khó nữa mà Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải là tình trạng kháng thuốc đang gia tăng nhanh trong cộng đồng người nhiễm HIV. Hiện tỷ lệ kháng thuốc trên bệnh nhân nhiễm HIV chiếm từ 6-7%. 

Theo bà Tiêu Thị Thu Vân, đây thực sự là gánh nặng bởi chi phí cho một phác đồ kháng thuốc cao gấp 5-10 lần so với phác đồ điều trị HIV bình thường. Việc không tuân thủ điều trị chính là nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc.

Do đó, từ nay đến cuối năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh liên kết vùng với các địa phương khác nhằm đảm bảo không mất dấu những người nhiễm, theo dõi, kiểm soát được việc điều trị của họ không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà kể cả khi họ di chuyển đến các tỉnh, thành khác./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất