Thứ Bảy, 23/11/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Sáu, 18/1/2019 11:18'(GMT+7)

TP.HCM thông xe cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm

Nhánh cầu vượt từ Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) về Hoàng Minh Giám giúp giải quyết ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Nhánh cầu vượt từ Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) về Hoàng Minh Giám giúp giải quyết ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Dự án cầu vượt thép nút giao Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm có tổng vốn đầu tư 504 tỷ đồng, với 3 nhánh cầu dạng chữ “N."

Nhánh cầu từ đường Hoàng Minh Giám về Nguyễn Thái Sơn có chiều dài 362m, bề rộng phía đường Hoàng Minh Giám là 13,25m và phía Nguyễn Thái Sơn rộng 9,5m, được thông xe vào tháng 7/2017. 

Hai nhánh cầu còn lại là nhánh từ đường Nguyễn Kiệm (phía quận Gò Vấp) về Hoàng Minh Giám (thông xe tháng 11/2017) và nhánh cầu từ đường Nguyễn Kiệm (phía quận Phú Nhuận) về Nguyễn Thái Sơn có chiều dài 367m, bề rộng 7,5m.

Sau khi thông xe toàn dự án, nút giao thông Nguyễn Thái Sơn-Nguyễn Kiệm sẽ trở thành nút giao thông hai tầng. Tầng trên là cầu vượt trực thông, giải quyết nhu cầu giao thông hướng từ trung tâm thành phố đi các quận, huyện ngoại thành và ngược lại. 

Nhánh từ Nguyễn Kiệm về Hoàng Minh Giám lưu thông từ các quận, huyện ngoại thành vào trung tâm, giúp giải quyết giờ cao điểm buổi sáng. Hai nhánh còn lại lưu thông từ trung tâm ra các quận, huyện ngoại thành giúp giải quyết các giờ cao điểm buổi chiều.

Tầng dưới của nút giao thông này là vòng xuyến có đảo tròn trung tâm, cho xe lưu thông rẽ về các hướng. Sau khi tách các luồng giao thông, trong vòng xoay sẽ giảm giao cắt, xung đột giữa các luồng xe; các phương tiện giao thông sẽ thoát nhanh ra khỏi nút giao.

Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), với nút giao thông hai tầng này, luồng xe từ đường Phạm Văn Đồng đi vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại sẽ không còn giao cắt với các luồng xe đi trên cầu vượt.

Khi đó, tình hình giao thông khu vực này sẽ ổn định, giúp hạn chế ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp với các đơn vị theo dõi tình hình giao thông khu vực và báo cáo các cấp điều chỉnh kịp thời phù hợp tình hình giao thông thực tế.

Đầu tháng 10/2018, Bộ Giao thông Vận tải công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu nâng tổng công suất của toàn cảng đạt 50 triệu hành khách/năm. 

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, triển khai phương án đầu tư hạ tầng giao thông khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thời gian tới.

Trước đó, tháng 7/2017, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng cầu vượt chữ “Y” nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai nối đường Trường Sơn với ga quốc nội (nhà ga T1) và ga quốc tế (nhà ga T2), giúp giảm ùn tắc giao thông khu vực trước lối vào cảng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất