Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Bảy, 19/1/2019 8:2'(GMT+7)

TP.HCM: Truyền dạy cải lương miễn phí cho giới trẻ

Buổi giới thiệu dự án “Tiếp bước trăm năm” cho các bạn trẻ.(Ảnh: giaoduc.edu.vn)

Buổi giới thiệu dự án “Tiếp bước trăm năm” cho các bạn trẻ.(Ảnh: giaoduc.edu.vn)

Là một hoạt động thuộc Dự án phát triển Nghệ thuật và Sáng tạo dành cho cộng đồng mang tên YUME Art Project, “Cải lương – Tiếp bước trăm năm” gồm 2 khóa học dành cho các bạn trẻ có độ tuổi từ 9 đến 19 đang sinh sống tại TPHCM.

Kéo dài trong vòng 8 tuần, khóa học “Thưởng thức cải lương” giúp bạn trẻ nắm những kiến thức căn bản về ngôn ngữ và lịch sử của cải lương, từ đó lan tỏa tình yêu với loại hình nghệ thuật này đến mọi người xung quanh. Với các tiêu chí khắt khe hơn, khóa học “Trải nghiệm cải lương” sẽ sàng lọc, bồi dưỡng một cách bài bản 20 bạn trẻ đam mê và có năng khiếu hát ca, cảm thụ âm nhạc truyền thống.

Các nghệ sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn cải lương nổi tiếng và cả những giảng viên chuyên ngành sẽ trực tiếp tham gia đào tạo, hướng dẫn học viên trong suốt 40 tuần.

Tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, Khoa Văn Học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TPHCM, người sáng lập và điều hành YUME Art Project cho biết dự án được triển khai với mong muốn giúp giới trẻ hiểu để cảm nhận hết giá trị của cải lương: “Bên cạnh hai khóa học mà chúng tôi giới thiệu trong dự án thì còn có những talkshow riêng, những tọa đàm, chương trình nói chuyện, giao lưu… Đặc biệt, khi kết thúc dự án, các học viên sẽ có một buổi biểu diễn để khán giả đánh giá các bạn đã học được gì và làm được những gì”.

Điều khiến các nghệ sĩ và những thành viên tham gia dự án cộng đồng này ấm lòng là tại buổi ra mắt, rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến với mong muốn được tham gia các khóa học. Với chất giọng trong veo, cô trò lớp 3 Trường Tiểu học Sao Việt ở quận 7 Lê Ngọc Minh Thư khiến nhiều nghệ sĩ có mặt bất ngờ khi tự tin trình diễn một trích đoạn cải lương với ban nhạc sống trước đám đông.

Thư nói, em mê cải lương từ nhỏ, cứ nghe ai ca là về nhà cầm cây đàn bắt chước cho bằng được. Cô bé Minh Thư mong muốn được tham gia khóa học đặc biệt này để trở thành một người hát cải lương chuyên nghiệp trong tương lai: “Khi đăng ký tham gia lớp học này con mong muốn mình có thể học hành tiến bộ hơn và có thể đàn hát trên sân khấu.”.

Ông Trần Quốc Toàn, thành viên Ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn TPHCM quyết định đến tham gia vòng thử giọng với mong muốn được trở thành một học viên đặc biệt của dự án. Không chỉ bày tỏ mong muốn được trải nghiệm giá trị của nghệ thuật cải lương, ông giáo hơn 70 tuổi này còn đề xuất nguyện vọng được chung tay viết lời ca cho các bạn trẻ trong khóa học.

Nhà văn Trần Quốc Toàn chia sẻ, nếu có thể tham gia dự án coi như ông đã chạm tay đến ước mơ thời thơ ấu của mình là được học cải lương một cách bài bản: “Đến tuổi này rồi mà tôi vẫn đến đây xin học một cách nghiêm túc vì tôi muốn bản thân có thêm những hiểu biết về cải lương. Đồng thời mở ra cánh cửa giao lưu giữa những người làm văn mới và ca kịch cổ”.

Là người truyền cảm hứng và trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn cả 2 khóa học, Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Bạch Tuyết cảm thấy hào hứng khi dự án cộng đồng này đón nhận sự quan tâm của nhiều người. Bên cạnh việc truyền nghề, đào tạo kỹ thuật về âm nhạc cải lương và diễn xuất, nghệ sĩ Bạch Tuyết cùng các nghệ sĩ khác mong muốn được lắng nghe tiếng lòng của giới trẻ với nghệ thuật cải lương. Theo bà, cải lương thực sự nếu muốn bảo tồn hay phát triển thì phải lắng nghe hơi thở của thời đại.

Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết chia sẻ: “Tham gia những dự án như thế này giúp tôi được tiếp xúc với những bạn trẻ, những người yêu mến cải lương để biết cách nhìn nhận cải lương ở thời đại 4.0 như thế nào. Nếu chúng ta cùng đi với họ thì tôi nghĩ rằng những người làm cải lương, những anh chị em nghệ sĩ và đặc biệt là những soạn giả sẽ có những khái niệm về cải lương của thời đại mới là như thế nào. Nếu chúng ta đáp ứng được điều đó thì có nghĩa là cải lương đang đi cùng với thời đại.”.

Hơn cả việc phát hiện, ươm mầm tài năng, điều mà dự án “Cải lương - Tiếp bước trăm năm” muốn hướng đến là tạo nên một bộ phận khán giả am hiểu cải lương thực thụ và có thêm nhiều kênh để lắng nghe ý kiến đóng góp của người xem nhằm cải tiến cải lương phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những người thực hiện dự án mong rằng khi hiểu rõ giá trị và đặc trưng của cải lương, bạn trẻ sẽ biết cách gìn giữ và lan tỏa loại hình nghệ thuật truyền thống này trong cộng đồng./.

Theo vov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất