Thứ Bảy, 7/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 18/10/2018 8:23'(GMT+7)

TP Hồ Chí Minh bảo vệ quan điểm xây dựng Giao hưởng 1.500 tỷ đồng

Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc HSBO, cho rằng việc xây dựng HSBO sẽ phục vụ cho nhiều môn nghệ thuật chứ không riêng cho hòa nhạc, vũ kịch, nhạc thính phòng.

Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc HSBO, cho rằng việc xây dựng HSBO sẽ phục vụ cho nhiều môn nghệ thuật chứ không riêng cho hòa nhạc, vũ kịch, nhạc thính phòng.

Nhà hát... không có nhà

Kì họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX đã thông qua việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch với vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi dự án được thông qua đã có không ít tranh cãi trái chiều trong dư luận. Một bên cho rằng có cần xây nhà hát nghìn tỷ trong bối cảnh kinh tế, xã hội nhiều khó khăn và một bên ủng hộ nên xây một nhà hát xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước như TP Hồ Chí Minh.

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HSBO) là một bước đi táo bạo trong quá trình thay đổi diện mạo và tạo dựng những giá trị biểu tượng văn hóa tầm cỡ cho thành phố mang tên Bác.

Theo ông Chính, hiện nay, việc triển khai dự án vào lúc này là muộn chứ không phải sớm. Tuy nhiên, khi đưa ra, thành phố chưa có bước chuẩn bị cho người dân một tư tưởng sẵn sàng để đón nhận dự án nhà hát theo hướng tích cực nên mới xảy ra nhiều tranh luận trái chiều. Lúc này, thành phố cần bình tĩnh và tư vấn, giải thích để cho người dân đón nhận nhà hát như một công trình văn hóa quy mô có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, thu hút du khách quốc tế đến thành phố và cũng khẳng định thành phố cần có một nhà hát xứng tầm với vai trò là đầu tầu kinh tế, xã hội của cả nước.

Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc HSBO, cho biết TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước nên việc thiếu một nhà hát xứng tầm cũng khiến thành phố mất đi rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch... mà trước tiên, các dụng cụ hàng chục tỷ đồng bị “vô hiệu hóa” khi không được bảo quản và sử dụng đúng chức năng.

“Vừa qua, HBSO được UBND TP Hồ Chí Minh đầu tư cho dàn nhạc cụ với trị giá hơn 47 tỷ đồng nhưng chưa bao giờ dàn nhạc này được lên sân khấu biểu diễn do thiếu nhà hát có thể đáp ứng đúng chức năng. Mặt khác, trung bình mỗi dàn nhạc giao hưởng thường khoảng 70 - 80 người, các đoàn quốc tế có thể lên đến hơn 100 người (chưa kể người thân, bạn bè đi cùng sang Việt Nam xem biểu diễn và tham quan du lịch) nên nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế khi đi lưu diễn khắp thế giới cũng từ chối đến biểu diễn tại Việt Nam do nhà hát Việt Nam không đủ tiêu chuẩn", ông Thạch cho biết.

Với kinh nghiệm nhiều lần đi biểu diễn tại các nhà hát lớn trên thế giới, ông Thạch cho rằng mức kinh phí xây nhà hát nghệ thuật hàn lâm của thành phố cũng chỉ ở mức trung bình so với tiêu chuẩn thế giới. "Việc xây dựng nhà hát là cần cho sự nghiệp văn hóa của TP Hồ Chí Minh”, ông khẳng định. 

Chia sẻ về số phận long đong của HSBO, ông Thạch cho biết quy mô nhà hát đã phác thảo từ năm 2012. Lúc đó thành phố dự kiến đặt nhà hát ở Công viên 23 Tháng 9, tức ngay trung tâm quận 1. Nhà hát khi đó được lên ý tưởng có hai khán phòng. Một khu có sức chứa 1.200 chỗ dành biểu diễn các chương trình giao hưởng, nhạc, vũ kịch lớn. Khán phòng còn lại có 500 chỗ phục vụ bộ môn thính phòng, dùng để thu âm theo chuẩn quốc tế hoặc diễn các vở kịch, cải lương, tuồng chèo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà hát còn có một sân khấu ngoài trời cùng hệ thống phòng tập cá nhân lẫn tập thể, phòng nghỉ dành cho nghệ sĩ, khu ăn uống, phòng triển lãm. Kế hoạch sử dụng nhà hát, về mặt nghệ thuật lẫn kinh doanh sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị. Tuy nhiên, dự án này cứ mãi nằm đó hơn 20 năm và 25 năm qua đơn vị của ông gắn với biệt danh "nhà hát không nhà".
Xây nhà hát bằng tiền bán đất

Khẳng định việc xây HSBO lúc này là cần thiết, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó có nói cho phép TP Hồ Chí Minh được thực hiện các dự án đầu tư nhóm A, đáng lý ra với những dự án này phải xin ý kiến Thủ tướng nhưng nghị quyết đã giao quyền này về cho HĐND TP Hồ Chí Minh. Theo đó, dự án nhà hát thuộc dự án nhóm A trên 1.000 tỷ đồng theo quyết định cơ chế đặc thù và được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng nhà hát là số tiền bán khu đất 23 Lê Duẩn với giá 1.430 tỷ đồng hồi tháng 5/ 2017".

Trước những ý kiến cho rằng thành phố nên dành số tiền hơn 1.500 tỷ đồng dùng xây nhà hát để đầu tư các công trình phúc lợi cấp bách hơn như bệnh viện, chống ngập, xây cầu đường giảm kẹt xe... ông Phong khẳng định các công việc đó với xây nhà hát, phục vụ văn hóa khác nhau hoàn toàn.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, lâu nay thành phố cũng đã đầu tư rất nhiều tiền vào các hạ tầng giao thông như cầu, đường; trường học, bệnh viện... nhưng về lĩnh vực văn hóa thì gần như không đáng kể. "Việc đầu tư như vậy chưa tương xứng giữa kinh tế và văn hóa. Hiện nay, không phải vì đầu tư cho nhà hát mà TP Hồ Chí Minh phải dừng lại các công việc cấp bách nói trên. Trước giờ thành phố vẫn đang nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện, trường học... Nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan với ngành văn hóa. Bên cạnh việc xây HSBO, thành phố cũng đã có kế hoạch xây thêm 3 bệnh viện ở huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư 5.664 tỷ đồng và 3 dự án cũng được Thủ tướng đồng ý, dự kiến sẽ bắt đầu khởi công từ năm 2018, đến năm 2023 sẽ đưa vào khai thác sử dụng".

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: "Nhiều ý kiến băn khoăn, tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có mà thành phố lại lo xây nhà hát 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Công tác đền bù cho người dân thành phố vẫn đang làm, nhưng phải theo quy trình. Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thường vụ Thành ủy đã họp nhiều lần, chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng 11 giải pháp để thực hiện theo kết luận. Khi xong, thành phố sẽ trao đổi với người dân Thủ Thiêm, sau đó mới ban hành giải pháp cụ thể".

"Tiền thành phố đền bù cho người dân sẽ lấy từ ngân sách, còn xây nhà hát là bằng tiền bán đất từ nhiều năm trước, không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, trong nhiệm kỳ này, riêng tiền xây trường học và bệnh viện, thành phố đã chi 34.600 tỷ đồng - gấp 23 lần tiền xây nhà hát; còn so với chi phí thành phố chi trong ba nhiệm kỳ gần đây (khoảng 57.860 tỷ đồng) thì thấp hơn 38 lần. Vì vậy, có thể thấy là thành phố không phải không quan tâm xây trường học và bệnh viện. Nếu so với tổng chi ngân sách thành phố trong 3 khóa gần đây thì xây nhà hát chỉ chiếm 0,4%, đây là số tiền không nhỏ, nhưng đã có kế hoạch dài hạn. Ngoài ra, sau khi dự án nhà hát được phê duyệt, HĐND và UBND cần giám sát chặt chẽ để nhà hát được xây dựng đúng chất lượng, đáp ứng được sự mong đợi của người dân, lãnh đạo thành phố, tránh lãng phí.

"Việc chọn Thủ Thiêm để xây nhà hát, thành phố đã tính toán một số vị trí ở quận 1 nhưng đều không phù hợp, phải ưu tiên giao thông và công viên phục vụ người dân. Quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm vì có sự tương thích với nhiều công trình công cộng khác của khu đô thị như: Trung tâm triển lãm, quảng trường trung tâm, công viên bờ sông... Mặt khác, khi quyết định xây nhà hát, thành phố dù đã thông tin khá đầy đủ về dự án nhưng chưa lường hết được phản ứng của dư luận. Việc này lãnh đạo thành phố cần rút kinh nghiệm để thông tin cụ thể, rõ ràng đến người dân, tránh tâm lý xáo trộn, trái chiều như vừa qua", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo Báo Tin Tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất