Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "Chính phủ tiếp tục chia sẻ, tạo điều kiện tối đa để Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh sớm đầy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức lại cuộc sống."
Tính đến ngày 27/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 19 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (từ 0 giờ ngày 9/7). Nếu tính cả các đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố bắt đầu từ ngày 31/5 đến nay, Thành phố đã trải qua 57 ngày giãn cách xã hội.
Rất nhiều tâm sức, sự hy sinh, tình cảm của cả nước dành cho Thành phố cũng như cả những xáo trộn của cuộc sống và thậm chí cả thiệt hại về kinh tế chưa thể đong đếm được ở đô thị lớn nhất cả nước hiện nay.
Tuy nhiên, có thể thấy mục tiêu tận dụng "thời gian vàng" giãn cách xã hội trong việc ngăn chặn đà lây lan dịch COVID-19 của Thành phố chưa đạt được như mong muốn, dịch COVID-19 do biến chủng Delta gây ra vẫn đang tác động đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trong cuộc chiến cam go được xác định là vô cùng khó khăn này, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân thành phố với những quyết định chưa có tiền lệ, "vô tiền thoáng hậu."
Những quyết định chưa có tiền lệ
Ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chỉ thị 16, với diễn biến nhanh của dịch COVID-19 do biến chủng Delta gây ra, số ca nhiễm liên tục tăng với cấp độ 4 con số . Từ ngày 27/4 đến 26/7, thành phố có 55.570 ca nhiễm đã được Bộ Y tế công bố.
Riêng trong 17 ngày (9-25/7) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đã ghi nhận 46.892 ca nhiễm; trung bình phát hiện 2.931 ca/ngày, các ca nhiễm được ghi nhận phần lớn là tại khu phong tỏa, khu cách ly. Thực tế trên đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh khối lượng công việc khổng lồ, vượt tầm mọi sự chuẩn bị và rơi vào tình thế vô cùng cam go.
Trong cuộc chiến vô cùng cấp bách này, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận được sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Y tế về cả chuyên môn lẫn nguồn lực.
Chỉ từ ngày 26/6 đến nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã 2 lần trực tiếp vào kiểm tra và làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời trực tiếp xuống các "điểm nóng" của dịch tại thành phố.
Qua Thủ tướng Chính phủ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lời thăm hỏi, động viên và đánh giá rất cao nỗ lực của Thành phố trong thực hiện "nhiệm vụ kép," vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản (Công văn số 1691/VPCP-KGVX ngày 07 tháng 7 năm 2021 và Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2021 và nhiều Thông báo Kết luận) chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại Thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Trung ương hết sức quan tâm việc Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16. Mặc dù đây là quyết định khó khăn nhưng là quyết định đúng đắn, đúng hướng, cần thiết, từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình của Trung ương, nhân dân và sự tham gia hưởng ứng của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Ngay từ những ngày đầu của đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ đầu tháng 5/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với việc chỉ đạo liên tục, thường xuyên, Chính phủ tiếp tục phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng phối hợp với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong chỉ đạo công tác chống dịch tại Thành phố, cụ thể là thực hiện Chỉ thị 16.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng dành thời gian trực tiếp chỉ đạo công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mình đối với việc Thành phố thực hiện Chỉ thị 16, bảo đảm thiết thực, cụ thể, sát với tình hình thực tế và với tinh thần ưu tiên, đáp ứng tối đa yêu cầu của Thành phố về các nguồn lực cho phòng, chống dịch (như tài chính, vật tư, sinh phẩm, cơ sở vật chất, nhân lực...).
Các bộ, ngành phải hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, kịp thời, chính xác và thường xuyên bám sát thực tiễn để điều chỉnh các quy định về chuyên môn cho phù hợp tình hình để Thành phố thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16.
Từ đây, các hoạt động giao ban, cuộc họp hàng ngày Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh các phó Thủ tướng đều tham dự với hình thức trực tiếp, trực tuyến. Qua đây, nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch, những khó khăn, vướng mắc đều được cho ý kiến, chỉ đạo xử lý ngay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Một số bộ quyết định thành lập Tổ Công tác đặc biệt do một Thứ trưởng làm Tổ trưởng đặt tại Thành phố để hỗ trợ công tác chống dịch.
Có thể nói, chưa bao giờ lãnh đạo Chính phủ lại có mật độ làm việc dày đặc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cả trực tiếp, trực tuyến liên quan đến nội dung phòng, chống dịch COVID-19.
Như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện Chỉ thị 16 đã tác động đến toàn bộ đời sống nhân dân, hoạt động kinh tế của Thành phố, đến doanh nghiệp, kể các các tỉnh xung quanh và cả nước.
Chính phủ rất mong nhân dân chia sẻ với Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ với Chính phủ. "Chính phủ tiếp tục chia sẻ, tạo điều kiện tối đa để Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh sớm đầy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức lại cuộc sống, sản xuất," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong cuộc họp tối muộn ngày 24/7 mới đây.
Vào trận thần tốc
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp do biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn; mặt khác nhiều ca bệnh đã có trong cộng đồng từ trước đó rất lâu, khó xác định nguồn lây.
Cùng với tinh thần chỉ đạo "dành những gì tốt nhất có thể cho Thành phố Hồ Chí Minh," cả hệ thống chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh đã vào trận thần tốc, huy động, xây dựng các "binh chủng" để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.
Để phục vụ cho "trận đánh" quyết định này, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh và một loạt trung tâm như Trung tâm điều phối xét nghiệm nhằm thực hiện nhiệm vụ điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố; Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời để kịp thời mua sắm các trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu rút gọn trong thời gian dịch bệnh; Trung tâm điều phối tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.
Cùng với đó, Thành phố thành lập Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế của Thành phố bao gồm các chuyên gia của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Chính sách công và quản lý Fullbright…
Tất cả đều phục vụ cho "trận đánh" lớn, quyết định với dịch COVID-19 đang hoành hành trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng số nhân lực ngành Y tế đang tham gia chống dịch trên địa bàn là 14.129 nhân sự, trong đó đội ngũ y, bác sỹ của Thành phố là 10.022 người, Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ là 4.107 người; đã phân bổ lực lượng này tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức là 6.531 người, tại các bệnh viện dã chiến là 7.407 người và các khu cách ly tập trung là 191 người.
Cùng tham gia lực lượng tuyến đầu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động 13.853 cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng, chống dịch để tổ chức 12 chốt, trạm của Thành phố, đảm bản tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Bộ Tư lệnh Thành phố cũng đã điều động 27.769 cán bộ, chiến sỹ, dân quân phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến và khu phong tỏa. Và rất nhiều lực lượng khác ở từ các cơ quan đơn vị của thành phố xuống cơ sở, các tình nguyện viên vẫn đang miệt mài mỗi ngày cho cuộc chiến với dịch COVID-19.
Trước khi chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng phương án và kế hoạch đối với từng ngành cụ thể với mục tiêu tận dụng hiệu quả nhất "thời gian vàng" để kiểm soát tình hình dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai thành lập hàng chục khu cách ly tập trung cấp thành phố, tại các quận huyện và thành phố Thủ Đức; hàng trăm khách sạn chuyển đổi sang tổ chức cách ly các trường hợp F1.
Để đáp yêu cầu về điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay, trong đó có ngày lên đến hơn 5.000 ca, chỉ trong chưa đến 10 ngày, Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương xây dựng hơn 10 bệnh viện dã chiến với quy mô gần 40.000 gường.
Công tác thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 được ngành y tế thay đổi liên tục để phù hợp với thực tiễn, từ tháp 3 tầng, lên 4 tầng và hiện nay thực hiện theo hệ thống 5 tầng điều trị phù hợp từng cấp độ từ nhẹ đến nặng của bệnh nhân mắc COVID-19.
Để thần tốc truy vết, bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng, toàn thành phố đã tổ chức 4.456 người lấy mẫu xét nghiệm (tương ứng 2.228 đội) với tổng công suất lấy mẫu tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000-445.000 mẫu/ngày.
Với việc triển khai công tác xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm kiểm soát và tách F0 ra khỏi cộng đồng, từ ngày 9/7 đến nay, Thành phố đã tiến hành thực hiện hơn 2 triệu test xét nghiệm nhanh, hàng trăm ngàn mẫu gộp bằng PCR.
Trong điều kiện giãn cách xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với hơn 800.000 liều trong vòng một tuần lễ vào cuối tháng 6/2021, đồng thời mới đây từ ngày 22/7, đã khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong thời gian 2-3 tuần.
Thành phố đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin với nhiều ứng dụng, phần mềm mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh như hệ thống khai báo y tế điện tử, hệ thống giám sát cách ly tại nhà, hệ thống tiêm chủng vaccine, bản đồ COVID-19 của thành phố…
Thành phố đã khẩn trương xây dựng Bản đồ COVID-19 của thành phố, qua đó chuẩn hoá hơn gần 44.000 địa chỉ ca dương tính, điểm phong toả, điểm dịch tễ để đưa lên bản đồ, thực hiện ứng dụng để 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức chủ động cập nhật dữ liệu điểm phong tỏa và điểm dịch tễ. Tổng số lượt truy cập vào hệ thống đến ngày 22/7 là 117 triệu lượt truy cập.
Trong điều kiện giãn cách xã hội, các cơ quan chức năng Thành phố đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Điển hình như trao gần 500 tỷ đồng cho lao động tự do mất việc, lao động bị ngưng việc, gia đình khó khăn.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vận động các nguồn hỗ trợ chăm lo đời sống cho người dân nghèo, khó khăn trên địa bàn thành phố với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau."
Cả hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục vào trận trong cuộc chiến cam go với dịch COVID-19 với ý chí "chống dịch như chống giặc,""mỗi người dân là một chiến sỹ," "mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch."
Mặc dù vẫn còn bộn bề công việc phải làm, dịch COVID-19 tiếp tục lan nhanh, lan rộng trong cộng đồng nhưng kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng phủ, công tác phòng, chống dịch của Thành phố đã được Chính phủ và Bộ Y tế đánh giá là đang đi đúng hướng, đạt được một số kết quả nhất định./.
Theo TTXVN