Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 7/3/2013 13:40'(GMT+7)

TPHCM: Mở rộng mô hình nông thôn mới đến 56/56 xã

Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình tại 6 xã điểm, thu nhập bình quân của nông dân đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,83 lần so với trước khi thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới. Số hội nghèo giảm 80%, từ 5.721 hộ còn 1.188 hộ. Tỷ lệ lao động có việc làm trên 90%.

Qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, doanh thu bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp liên tục tăng từ 138,5 triệu đồng/ha năm 2009 lên 239 triệu đồng/ha năm 2012. Đã bước đầu đúc kết những nhân tố về giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng nông nghiệp đô thị như: bò sữa, rau an toàn, hoa lan, cây kiểng, cá kiểng.                 
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, đã thực hiện 283 công trình giao thông, 103 công trình thủy lợi, 95 công trình văn hóa-xã hội, xóa 430 căn nhà tạm, dột nát. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM đến tháng 1/2013 đạt 6.900 tỷ, trong đó TP chi 1.382 tỷ , đạt tỷ lệ 20%, người dân và cộng đồng đóng góp 5.497 tỷ đồng , đạt tỷ lệ 79%.
 
Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới TPHCM đã ghi nhận các điển hình tập thể và cá nhân trong hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giầu.
 
Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên xây dựng nông thôn mới, từ năm 2001 đến nay, TP đã thực hiện 03 mô hình thí điểm phát triển nông thôn, tương ứng 03 giai đoạn. Giai đoạn 2001-2007: xây dựng thí điểm mô hình phát triển nông thôn cấp xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa, dân chủ hóa.Từ năm 2007 đến hết 2010: xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp ấp. Từ tháng 5/2009 đến nay: xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Năm 2013, TP tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt tại 6 xã điểm và đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 50 xã nhân rộng. Đến 2015, phấn đấu 56/56 xã cơ bản đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cách làm của TPHCM vừa đúng chỉ đạo của trung ương vừa có nhiều sáng tạo, là những kinh nghiệm tốt để các nơi tham khảo. Đó là sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp cũng như sự tham gia tích cực của các đoàn thể. Việc làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân tham gia tích cực vào chủ trương lớn của Đảng.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị TP phát huy hơn nữa việc tuyên truyền cho cán bộ và người dân về chủ trương đúng đắn của Đảng. Người nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, thông qua phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề  để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lao động nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng nông nghiệp dịch vụ đô thị. Đảng bộ và chính quyền các cấp và các đoàn thể có vai trò tích cực tham gia hỗ trợ. Bộ trưởng cũng đề nghị xây dựng tiêu chí nông thôn mới đến cấp ấp, xóm và hộ gia đình.   
 
Phát biểu chỉ đạo buổi tổng kết, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh, chính tính đúng đắn của chủ trương đã khơi gợi và phát huy nội lực nhân dân tại các xã. Khẳng định, nhân dân là chủ thể quyết định sự thành công của chương trình. Các doanh nghiệp với tâm huyết, tình cảm gắn bó mật thiết với nông dân và nông thôn đến đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Hàng ngàn cá nhân hiến đất làm đường, phát triển sản xuất, vượt khó làm giàu… Có thể khẳng định, những nhân tố nông thôn mới các xã ven đô thị đã hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng, làm cơ sở cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình tất cả các xã còn lại. Cái được lớn nhất là Nghị quyết của Đảng hợp lòng dân đã đi vào cuộc sống. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trách nhiệm trước dân.
 
Để chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, tạo ra diện mạo mới cũng chính là quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM, ông  Lê Thanh Hải chỉ đạo tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt tại 6 xã điểm; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. BCĐ nông thôn mới các cấp nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và TP; phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm hơn nữa. Đảng ủy các xã đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng đi sát, lắng nghe ý kiến của người dân. TP cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân, nông nghiệp… tạo điều kiện thúc đẩy, gắn với thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2020. Các doanh nghiệp TP có phương án hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ giải quyết đầu vào, đầu ra nông sản tại các xã…

Cổng TTĐT TP Hồ Chí Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất